Không chỉ là chuyện về hay ở

06/05/2015 07:27 GMT+7

Diễn đàn 'Về hay ở lại?' xung quanh chuyện đoàn công tác 10 người của Hội Chữ thập đỏ VN được cử sang Nepal để: 'Học tập kinh nghiệm nâng cao kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với thảm họa động đất '. Thanh Niên nhận rất nhiều ý kiến của bạn đọc.

Diễn đàn “Về hay ở lại?” xung quanh chuyện đoàn công tác 10 người của Hội Chữ thập đỏ VN được cử sang Nepal để: “Học tập kinh nghiệm nâng cao kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với thảm họa động đất”. Thanh Niên nhận rất nhiều ý kiến của bạn đọc.
Đưa nạn nhân ra khỏi đống đổ nát sau trận động đất ở Nepal - Ảnh: AFPĐưa nạn nhân ra khỏi đống đổ nát sau trận động đất ở Nepal - Ảnh: AFP
Sự trùng hợp đã xảy ra, một trận động đất kinh hoàng đã biến đất nước Nepal thành đống đổ nát đúng vào ngày đoàn công tác ra sân bay để về VN (26.4), tuy nhiên, đoàn công tác đã bị kẹt lại ở Nepal, đến trưa 28.4 mới về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Rào cản ngay từ trong suy nghĩ
Theo tôi, họ nên ở lại ít nhất là trong thời gian đầu mới xảy ra thảm họa. Thông qua những mối quan hệ với ban tổ chức chuyến học tập kinh nghiệm và đồng nghiệp nước sở tại, với vai trò và kinh nghiệm của mình, chắc chắn họ sẽ có những đóng góp hữu ích cho công tác cứu hộ cứu nạn. Họ cũng có thể tư vấn, chia sẻ những kinh nghiệm của VN trong việc ứng phó những tình huống thiên tai khẩn cấp. Sau một thời gian ngắn ở lại và nỗ lực năng động trong khả năng (vốn có lợi thế hơn nhiều người khác), họ có thể phân công những người phù hợp tiếp tục ở lại để có những hành động thiết thực và hữu hiệu hơn. Từ thực tế, họ sẽ còn rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu mà không thể có được qua trường lớp, bổ khuyết cho chiến lược dự phòng, ứng phó tình hình thiên tai khẩn cấp của đất nước mình.
Có người đề cập đến một số rào cản để biện minh cho sự trở về. Nhưng theo tôi, trong thế giới hội nhập hiện nay thì những rào cản đó không có gì lớn. Có khi, đó là những rào cản xuất hiện ngay từ trong suy nghĩ chứ chưa hẳn tồn tại trên thực tế. Tôi nhận thấy nhiều người Việt có thói quen đặt nặng thủ tục hành chính, nào là quy trình, khuôn phép nên thiếu đi sự ứng phó linh hoạt, không dám mạo hiểm, sáng tạo và đột phá trước những thách thức hay tình huống mới nảy sinh. Vì vậy, họ thường muốn tránh né hoặc chỉ chọn phương án thuận lợi, an toàn cho mình mà thôi.
Trần Công Bình
(Chuyên gia UNICEF, Phó chủ tịch Câu lạc bộ CTXH chuyên nghiệp TP.HCM)
Quá coi nặng lý thuyết
Vụ việc này chứng tỏ họ quá coi nặng về lý thuyết mà không chú ý đến tính thực hành. Lẽ ra họ phải ứng dụng ngay tại chỗ những kỹ năng vừa được học ở đất nước Nepal, để vừa giúp cứu hộ người dân ở đó vừa có thể kiểm chứng những gì được học có phù hợp thực tiễn hay không.
Điều quan trọng là họ có muốn áp dụng những điều đã được học hay không! Ai cũng biết tham gia cứu nạn cứu hộ là rất vất vả, cực nhọc. Có lẽ vì thế mà họ chọn cách về nước và nghĩ rằng đó không phải là trách nhiệm của mình.
Vụ việc này cũng đặt ra vấn đề: Liệu những tour tham quan thực hành tốn kém tiền bạc, thời gian như vậy có thực sự cần thiết, hiệu quả hay không? Liệu những người được lựa chọn đi học có xứng đáng, có những phẩm chất cần có của người làm công việc dấn thân vì cộng đồng không? Bởi trong hoàn cảnh nào đi nữa, đã tham gia nghề này thì phải dấn thân, phải luôn cố gắng hết sức mình vì cộng đồng.
Đỗ Ngọc Thảo
(Cán bộ Quỹ Phòng chống thương vong châu Á)
Nên loại ra khỏi tổ chức này
Gặp thảm họa thì dân thường bỏ chạy là đúng! Nhưng là thành viên của hội Chữ thập đỏ mà bỏ chạy thì theo tôi nên loại ra khỏi tổ chức này! Tôi còn nhớ trong chiến tranh chống Mỹ khốc liệt như thế mà Hội Chữ thập đỏ quốc tế vẫn cử người tới cả 2 miền đất nước để giúp chúng ta đấy! Họ có sợ nguy hiểm đâu?
Thanh Bình
(TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Về là đúng
Theo tôi, họ về là đúng. Muốn ở lại cứu trợ thì phải có chuyên môn, có phương tiện và cả kinh phí. Trừ khi bên Nepal họ đưa ra đề nghị cần người giúp trên nền tảng họ đã có phương tiện cứu hộ và ngân sách rồi mà đoàn vẫn bỏ về thì quá vô cảm, không nên. Nếu bên Nepal không có đề nghị gì thì nên về.
Hơn thế nữa, nếu không có sự chuẩn bị sẵn sàng để cứu hộ hiệu quả sẽ gây thêm khó khăn cho nước bạn chứ chưa nói đến giúp đỡ, bởi vì những người từ VN tới không biết đường, không nắm thông tin, ngôn ngữ địa phương không thông thạo và phương tiện không có, tiền bạc cũng không, chỉ có nhiệt tình thì chưa đủ cho công tác cứu hộ hiệu quả.
Đặt câu hỏi tại sao họ không ở lại để học tập kinh nghiệm từ thực tiễn khi động đất vừa xảy ra? Theo tôi, đây không phải là lúc tốt nhất cho việc học do mọi thứ đang ở tình trạng khẩn cấp, cần cứu hộ trước tiên. Được biết, Trung tâm du lịch quốc tế của AIG là nơi phải có trách nhiệm cứu hộ toàn bộ du khách quốc tế (có mua bảo hiểm của họ) và họ chuẩn bị rất nhiều phương tiện, nhân sự cứu hộ chuyên nghiệp, có cả máy bay nhưng công tác cứu hộ còn gặp nhiều khó khăn do động đất quá mạnh thì đoàn VN chẳng có chuyên môn cứu hộ, không có phương tiện gì thì làm sao kham nổi? Nên nhớ, bản thân hội Chữ thập đỏ là nơi làm công tác phong trào, họ không phải cơ quan cứu hộ chuyên nghiệp.
Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách thực tế, có sự phân tích lý trí, đừng thiên về tình cảm. Nếu về tình cảm thì ai cũng muốn đi Nepal để cứu giúp người đang hoạn nạn, song điều đó không có nghĩa ai cũng làm tốt việc này.
Nguyễn Anh Thi
(Doanh nhân, P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Chưa đúng tinh thần điều lệ hội
Điều lệ Hội Chữ thập đỏ VN nêu: Thành viên của hội Chữ thập đỏ phải chấp hành điều lệ và các nghị quyết của hội; tuyên truyền tôn chỉ, mục đích của hội trong các tầng lớp nhân dân... Trong đó, tôn chỉ và mục đích cao cả của hội là nhân đạo, hòa bình, hữu nghị và hoạt động theo pháp luật VN. Điều lệ hội và 7 nguyên tắc cơ bản: nhân đạo, vô tư, trung lập, độc lập, tự nguyện, thống nhất và toàn cầu.
Ngay từ đầu, đoàn đã xác định mục đích của chuyến đi là tập huấn các kiến thức, kỹ năng để ứng phó với thảm họa nhưng thực tế đã xảy ra động đất thật và đây là cơ hội “ngàn năm có một” thì lại tìm cách nhanh nhất để quay về nước, thật khó để giải thích thuyết phục dư luận trong nước và bạn bè quốc tế, kể cả Nepal.
Đoàn chúng ta nên ở lại để phối hợp cùng với các tổ chức, cá nhân khác tại nơi xảy ra động đất để tham gia ứng phó thảm họa và công tác xã hội như: sơ cứu ban đầu, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; vận động tổ chức cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ thuốc men, trang thiết bị y tế, vận động kinh phí, kể cả vận động hiến máu nhân đạo...
Để khắc phục sai lầm này, theo tôi cần phải thể hiện bằng các hành động cụ thể hơn nữa trong việc chủ động liên hệ, phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để sớm hỗ trợ nước bạn vượt qua nỗi mất mát, để bạn bè thế giới thấy “Dân tộc VN vốn giàu lòng yêu nước, thương người. Càng trong hoàn cảnh khó khăn, tinh thần đó càng được nhân lên gấp bội”, đặc biệt là tấm lòng “lá lành đùm lá rách” mỗi khi gặp khó khăn chung như lời mở đầu trong điều lệ của hội.
ThS - Luật sư Nguyễn Tiến Mạnh
(Giám đốc Công ty luật Hồng Long, Đoàn luật sư TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.