Nhưng có một điều ít ai ngờ là ngay cả người đã ngủ đủ thời gian vẫn có thể bị ngủ gật nguy hiểm khi lái xe. Đó là trường hợp người mắc chứng ngưng thở khi ngủ.
Theo tiến sĩ Murarji Ghadge, chuyên gia về giấc ngủ nổi tiếng của Ấn Độ, buồn ngủ khi lái xe chủ yếu là do thiếu ngủ và ngưng thở khi ngủ.
Một cuộc khảo sát của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ nhận thấy những người ngủ ngáy, mắc chứng ngưng thở khi ngủ có nhiều khả năng bị buồn ngủ khi lái xe hơn.
Tại sao ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến buồn ngủ?
Tiến sĩ Ghadge cho biết: Người bị ngưng thở khi ngủ có thể gặp khó khăn trong việc duy trì sự chú ý, tập trung mắt và phản ứng nhanh sau tay lái nếu chứng bệnh này không được điều trị. Các nghiên cứu thường chỉ ra rằng những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ không được điều trị có nhiều khả năng gây tai nạn do mệt mỏi. Chức năng nhận thức, khả năng đưa ra quyết định, trí nhớ, khả năng vận động và tốc độ xử lý đều bị ảnh hưởng bởi chứng ngưng thở khi ngủ, theo tờ Hindustan Times.
Buồn ngủ khi lái xe nguy hiểm thế nào?
Các nghiên cứu gần đây phát hiện buồn ngủ là yếu tố gây ra 13% các vụ tai nạn thương tích nghiêm trọng và 21% các vụ tai nạn giao thông gây tử vong, tiến sĩ Ghadge nói.
Khảo sát của CDC Mỹ cũng nhận thấy những người ngủ từ 6 tiếng trở xuống mỗi ngày có nhiều khả năng bị buồn ngủ khi lái xe hơn, so với người ngủ từ 7 tiếng trở lên.
Các dấu hiệu cảnh báo buồn ngủ khi lái xe
Ngáp hoặc chớp mắt thường xuyên
Không nhớ quãng đường vừa đi qua
Chạy lấn làn hoặc đánh võng
Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào, hãy tấp vào lề để nghỉ hoặc để người khác lái.
Mẹo chống buồn ngủ khi lái xe
Ngủ đủ 7 tiếng mỗi ngày
Tập thói quen ngủ theo lịch trình nhất định.
Nếu bị rối loạn giấc ngủ hoặc có các triệu chứng như ngáy, ngưng thở khi ngủ hoặc buồn ngủ vào ban ngày, hãy nói chuyện với bác sĩ để điều trị.
Trước khi lái xe, tránh uống những loại thuốc có thể gây buồn ngủ, theo CDC Mỹ.
Bình luận (0)