Không cho con đến trường để phản đối phương án đền bù đất

25/03/2015 16:23 GMT+7

(TNO) Không đồng tình với phương án đền bù giải phóng mặt bằng và lấy lý do trường học mới ở khu tái định cư cách xa nơi đang ở, nhiều phụ huynh ở thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh không cho con em mình tới trường.

(TNO) Không đồng tình với phương án đền bù giải phóng mặt bằng và lấy lý do trường học mới ở khu tái định cư cách xa nơi đang ở, nhiều phụ huynh ở thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh không cho con em mình tới trường.

Trường THCS Kỳ Lợi được xây mới ở vùng tái định cư - Ảnh: Nguyên Dũng
Ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kỳ Anh, cho biết dù năm học 2014-2015 chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc nhưng hiện có tới 132 học sinh tiểu học và trung học cơ sở của thôn Đông Yên chưa tới trường. Trong số đó, 80 em là học sinh Trường tiểu học Kỳ Lợi và 52 em là học sinh Trường THCS Kỳ Lợi.
Trao đổi với Thanh Niên Online, nhiều phụ huynh ở thôn Đông Yên cho biết họ không cho con em đến trường vì nhiều lý do.
Theo ông Hoàng Công Nguyên (60 tuổi, thôn Đông Yên), điểm trường cũ nằm cách xa điểm trường mới hơn 25 km (cả đi và về là hơn 50 km) nên ông nhất quyết không cho các con đến trường.
Ông Nguyễn Xuân Tình (53 tuổi, thôn Đông Yên) nói: “Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của huyện Kỳ Anh đưa ra mức giá bồi thường đất đai cùng tài sản gắn liền với đất quá thấp và thiếu công bằng giữa các hộ dân nên đến nay tôi vẫn chưa chịu nhận số tiền đền bù gần 1 tỉ đồng. Gia đình tôi kiên quyết phản đối tới cùng và không cho con gái tới trường”.
Ông Hà Huy Cận, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi, cho biết theo chủ trương của UBND tỉnh Hà Tĩnh, từ tháng 8.2013 có tổng cộng 1.235 hộ dân ở thôn Đông Yên phải di dời tới khu tái định cư ở 2 xã Kỳ Phương và Kỳ Nam (huyện Kỳ Anh) để nhường đất cho dự án Formosa.
Theo ông Cận, hiện nay vẫn còn 158 hộ chưa di dời, trong đó có 75 hộ chưa nhận tiền đền bù, số còn lại chưa chịu đo đạc đất để lên kế hoạch đền bù. “Dù chính quyền địa phương đã cố gắng để đưa số hộ còn lại lên vùng tái định cư và dùng mọi cách vận động để họ cho con em mình đến trường nhưng đều không có kết quả”, ông Cận nói.
Theo ông Sum, từ đầu năm học 2014-2015 đến nay, Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Anh đã nhiều lần cử giáo viên tới nhà giải thích, vận động phụ huynh cho con em đến trường nhưng vẫn không có kết quả. Chính quyền địa phương cũng đã tổ chức đưa đón học sinh từ các điểm trường cũ (Trường tiểu học và THCS Kỳ Lợi cũ đóng tại thôn Đông Yên) tới các điểm trường mới ở vùng tái định cư (thuộc xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh) bằng xe buýt nhưng không có học sinh đi học.
“Chỉ còn vài tháng nữa là năm học 2014-2015 kết thúc. Bây giờ 132 học sinh được phụ huynh cho đến trường thì cũng đã muộn rồi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục vận động, giải thích với các bậc phụ huynh với hi vọng sang năm học mới, các em sẽ được đến trường”, ông Sum nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.