'Không cho học trước, vào lớp 1 cô nhìn con như ngoài hành tinh'!

Thúy Hằng
Thúy Hằng
09/05/2023 14:17 GMT+7

Phụ huynh bàn luận sôi nổi về vấn đề Chưa vào lớp 1 đã bị áp lực 'đọc thông viết thạo' mà Báo Thanh Niên đăng tải. Có phụ huynh ý kiến: 'Không cho trẻ đi học trước, đến khi vào lớp 1 cô giáo nhìn con mình như... người ngoài hành tinh'.

'Không cho học trước, vào lớp 1 cô nhìn con như ngoài hành tinh' - Ảnh 1.

Bên trong một lớp học chữ sớm, học làm toán trước khi vào lớp 1 ở TP.HCM

NGUYỄN LOAN

Trước khi vào lớp 1 đã cho con học chữ sớm trước cả năm

Bình luận dưới bài viết Chưa vào lớp 1 đã bị áp lực "đọc thông viết thạo", bạn đọc Dinh Trần nêu tình hình: "Thật ra, đại đa số phụ huynh có con em chuẩn bị vào lớp 1 đã cho các cháu học trước một năm. Số phụ huynh đang tìm chỗ cho con em học trước khai giảng vài tháng chiếm tỷ lệ không nhiều. Các con như tờ giấy trắng, học sớm quá so với độ tuổi quy định cũng không tốt nhưng đây là thực trạng đã tồn tại từ rất nhiều năm nay ở TP.HCM".

Phụ huynh Nguyễn Toàn chia sẻ: "Chương trình học rất nhanh, nếu không học sớm thì con sẽ bị áp lực trong năm. Bảng chữ cái, tập viết, đánh vẫn nhớ mặt chữ, ghép từ và cuối năm đã phải viết thông thạo. Chưa kể tiếng Anh cũng phải biết đọc, biết viết. Tôi thấy may mắn là con mình đã học trước…".

Bạn đọc Đoàn Hòa thẳng thắn chia sẻ: "Không cho trẻ đi học biết chữ sớm, đến khi vào lớp 1 cô giáo nhìn con mình như... người ngoài hành tinh! Khổ cho phụ huynh suốt ngày bị cô giáo... mắng vốn".

Không cho con học trước và học kỳ 1 thì kinh hoàng

Bình luận dưới bài viết, phụ huynh Lê Minh kể: "Tôi kiên quyết không đứa con đầu học chữ sớm, bé rất sáng. Tuy nhiên, học kỳ 1 là khoảng thời gian kinh hoàng của cả con và ba mẹ, vì trong lớp chỉ có duy nhất bé là không học chữ trước. Từ đó, dù ai có nói gì đi nữa, tôi luôn khuyên phụ huynh cho con học chữ trước khi vào lớp 1".

Bạn đọc T.D viết: "Ước gì Bộ GD-ĐT thực hiện một chuyến trải nghiệm chương trình lớp 1 của các nước châu Âu nhỉ. Học kiểu này sẽ tạo ra sự chán học vì chương trình quá nặng. Nhìn chiếc cặp của con mà tôi tưởng con tôi là giáo sư chứ không phải là học sinh tiểu học. Thật tội nghiệp. Đứa đầu mình không cho học chữ trước lớp 1. Kết quả cả mẹ lẫn con và cô giáo đều bị áp lực. Do đó, bé thứ hai mình rút kinh nghiệm phải cho tập đọc trước mới đua kịp với chương trình sách giáo khoa mới".

Nick name bạn đọc là Heo Map nói: "Con tôi lớp 1, học ở Q.Bình Thạnh, cũng không cho đi học trước. Đầu năm học vô tuần đầu tập nét, tuần sau viết chữ, cháu theo không kịp phải cho đi học thêm".

Còn độc giả HieuThuan Nguyen Chau đưa minh chứng từ gia đình mình: "Con tôi cũng vậy, học kỳ 1 là cháu bị xếp vào loại học sinh cá biệt về học lực vì tôi cương quyết không cho cháu đi học thêm trước khi nhập học lớp 1. Phải mất cả học kỳ sau với bao nỗ lực của cả cha mẹ và cả con thì mới cải thiện được thành tích bởi vì rất hiếm cháu nào như con tôi và thầy cô cũng sẽ kỳ thị khi giảng dạy".

'Không cho học trước, vào lớp 1 cô nhìn con như ngoài hành tinh' - Ảnh 2.

Một bé mầm non, chuẩn bị vào lớp 1 tập đồ chữ

THÚY HẰNG

Cũng đóng góp một câu chuyện từ thực tế nuôi dạy con của mình, phụ huynh Boy Cafe 3M kể: "Bé nhà mình đang chuẩn bị thi lớp 1. Mình cũng mang tư tưởng bé không cần học trước vào lớp 1, cô sẽ dạy bé học, dù giỏi hay dở cũng là năng lực của bé. Nhưng sau khi học hết học kỳ 1 và còn 2 tháng để thi học kỳ 2 thì mình mới biết đó là sai lầm. Cô chủ nhiệm và cả chương trình lớp 1 hiện tại bây giờ không như hồi xưa. Cô chủ nhiệm cũng không phải như hình mẫu hồi xưa. Trước nguy cơ bé đọc chậm, học yếu và viết không được, mình đã sai…".

Hay phụ huynh Vui Tran hồi tưởng: "Cách đây 5 năm, mình đưa con đi nhận lớp 1 đầu năm. Cô giáo chủ nhiệm hỏi bé đã biết đọc, biết viết, biết đọc số và các phép tính đơn giản chưa? Mình nói chưa cô ạ. Cô hỏi sao không cho đi học hè? Mình bảo không. Cô nói vậy sao cháu theo kịp các bạn, còn mắng mình, nói mình không quan tâm tới việc học hành của con cái. Cô còn nói con mình không theo kịp thì đừng nói là do cô…".

Tôi chỉ cho con học nhảy, vẽ, bơi!

Một bộ phận phụ huynh khác cho rằng cha mẹ nên bình tĩnh, đừng nóng vội, đừng áp lực lên các con. Việc quan trọng trước khi trẻ vào lớp 1 là rèn tư duy, kỹ năng cho trẻ chứ không phải học toán, học chữ.

Bạn đọc Thanh Nguyễn viết: "Nên để trẻ học muộn một chút sẽ tốt cho bộ não". Phụ huynh TRỊNH CÔNG THANH nêu: "Chính phụ huynh mới là người gây áp lực cho các con. Con mình chuẩn bị vào lớp 1 nhưng chỉ cho cháu học đúng 1 vài môn như nhảy danceport, vẽ và bơi".

'Không cho học trước, vào lớp 1 cô nhìn con như ngoài hành tinh' - Ảnh 3.

Học sinh sẽ được dạy học chữ chính thức khi bước vào chương trình lớp 1

DẠ THẢO

Hay bạn đọc với tài khoản Lạc Lối cho hay: "Bệnh thành tích ăn sâu rồi khó mà loại bỏ và nạn nhân chính là học sinh, còn phụ huynh thì muốn con mình phải hơn người... Hãy để trẻ phát triển tự nhiên theo từng giai đoạn, bởi vì khả năng tiếp thu mỗi trẻ là khác nhau, sao cha mẹ có thể ép con mình học hành hơn được".

Phụ huynh nguyen nguyen nêu quan điểm: "Người lớn tạo áp lực cho trẻ nhỏ. Nguyên nhân sâu xa là do nền giáo dục hiện nay. Trẻ em hiện nay quay cuồng với việc học, giảm khả năng tư duy, sáng tạo, gần như không có thời gian cho việc vui chơi, trải nghiệm khám phá môi trường xung quanh".

Luật giáo dục quy định gì về độ tuổi học lớp 1?

Theo mục a khoản 1 điều 28 luật Giáo dục ban hành năm 2019 thì cấp học và độ tuổi của giáo dục tiểu học được quy định "thực hiện trong 5 năm học, từ lớp một đến hết lớp năm, tuổi của học sinh vào học lớp một là 6 tuổi và được tính theo năm".

Còn điều 33 về điều lệ trường tiểu học đi kèm Thông tư số 28 của Bộ GD-ĐT năm 2020 ghi rõ:

1. Tuổi của học sinh vào học lớp 1 là 6 tuổi và được tính theo năm. Trẻ em khuyết tật, kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, trẻ em ở những vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em ở nước ngoài về nước, con em người nước ngoài học tập, làm việc ở Việt Nam có thể vào học lớp một ở độ tuổi cao hơn so với quy định nhưng không quá 3 tuổi. Trường hợp trẻ em vào học lớp một vượt quá 3 tuổi so với quy định sẽ do trưởng phòng GD-ĐT quyết định.

2. Học sinh tiểu học học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định trong trường hợp học sinh học lưu ban, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh là người khuyết tật, học sinh kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, học sinh mồ côi không nơi nương tựa, học sinh ở nước ngoài về nước và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.