Không có kè chắn sóng, biển 'nuốt' nhà dân!

Phạm Đức
Phạm Đức
01/12/2018 09:01 GMT+7

Không có kè chắn sóng nên mỗi mùa mưa bão là nhiều hộ dân ven biển xã Kỳ Phú, H.Kỳ Anh (Hà Tĩnh) lại lo mất đất, mất nhà vì biển xâm thực sâu vào đất liền.

Người dân lo lắng ngày đêm vì bị biển xâm thực đất liền
Người dân ở 2 thôn Phú Hải và Phú Lợi (xã Kỳ Phú) vẫn còn nguyên ký ức hãi hùng về cơn bão số 10 xảy ra hồi tháng 9 năm ngoái. Trước khi bão vào, hơn 500 hộ dân ở hai thôn sống dọc ven biển trên được chính quyền di dời đến nơi trú bão. Sau bão, khi trở về, nhà cửa và các công trình phụ trợ của người dân bị sóng biển đánh tan hoang. Đặc biệt , một số đoạn có rừng phòng hộ trồng cây phi lao chắn sóng, chắn cát cũng bị sóng đánh sập nhiều đoạn, cuốn trôi đất và cây ra biển.
Dẫn chúng tôi đi dọc bờ biển, ông Nguyễn Tiến Thành (53 tuổi, ngụ thôn Phú Hải) nói rằng khoảng 15 năm trước, nước biển cách làng khoảng 500 m, nhưng bây giờ đã áp sát nhà dân. Đặc biệt vào mùa mưa bão, sóng biển còn dâng gây ngập nhà dân khoảng 1 m, các hộ trong thôn buộc phải di dời đi nơi khác để đảm bảo an toàn tính mạng.
“Dãy nhà dân nằm sát bờ biển hiện nay trước đây thuộc dãy thứ 2, trước dãy này khoảng chục năm trước còn một dãy nhà khác nhưng đã bị sóng biển “nuốt”. Mất đất mất nhà, nhiều hộ được xã cấp đất vào bên trong sinh sống”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, do không có kè chắn sóng, một số hộ tự bỏ tiền làm kè trước nhà mình nhưng một thời gian ngắn là bị sóng đánh hỏng. Thậm chí, bà con còn đập bỏ nhà cũ, phá hàng rào, lấy đá để làm con đê tạm bợ. Ngoài ra, từ nhiều năm nay, người dân còn mang gạch đá đổ ra phía bờ biển với mong muốn giữ được đất đai. Tuy nhiên, sức người có hạn, biển vẫn ăn sâu vào đất liền trong khi nỗi lo của người dân ngày một lớn hơn.
Tương tự, hàng chục hộ dân ở thôn Phú Lợi cũng đang sống trong cảnh lo lắng từng ngày vì biển xâm thực mỗi năm thêm trầm trọng. Ông Nguyễn Xuân Hưởng (56 tuổi, ngụ thôn Phú Lợi) buồn bã cho biết: “Tình trạng biển ngày càng lấn sâu xảy ra nhiều năm nay nên người dân không thể an cư lạc nghiệp được. Hằng năm, mỗi khi biển động là sóng biển lại “ngoạm” vào đất đai của người dân. Khi mưa bão đến thì tình trạng này diễn ra nghiêm trọng hơn. Chúng tôi làm nhà rất kiên cố nhưng có bão là phải dọn hết để chạy”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Đình Hậu, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú, thừa nhận bờ biển đi qua địa phận 2 thôn Phú Hải và Phú Lợi bị sạt lở từ nhiều năm nay và ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân là do chưa xây dựng kè chắn sóng. Mặc dù UBND xã Kỳ Phú nhiều lần đề xuất với UBND H.Kỳ Anh và UBND tỉnh để xin kinh phí làm bờ kè, nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Đình Hậu, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú, thừa nhận bờ biển đi qua địa phận 2 thôn Phú Hải và Phú Lợi bị sạt lở từ nhiều năm nay và ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân là do chưa xây dựng kè chắn sóng. Mặc dù UBND xã Kỳ Phú nhiều lần đề xuất với UBND H.Kỳ Anh và UBND tỉnh để xin kinh phí làm bờ kè, nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua.
 “Khoảng 10 năm trở lại đây, biển đã lấn sâu vào đất liền khoảng 30 m. Hiện nay, có 101 hộ dân ở 2 thôn nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở cần được di dời đến nơi ở mới. Chúng tôi cũng đã đề xuất lên các cấp có chính sách để cấp đất bên trong cho người dân xây nhà sinh sống”, ông Hậu nói.
Ông Lê Văn Trọng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Kỳ Anh, cho biết năm 2017 UBND huyện đã thành lập nhiều đoàn phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh đi kiểm tra thực tế để lên phương án. Do ngân sách tỉnh và huyện hạn hẹp không thể bố trí kinh phí xây dựng bờ kè chắn sóng nên cơ quan chức năng thống nhất phương án trồng cây phi lao chắn sóng ven biển, nhưng do đất ở khu vực này bị nhiễm mặn nên toàn bộ cây đã bị chết ngay sau đó.
“Hiện nay, chúng tôi đã đề xuất lên UBND tỉnh có phương án xin kinh phí từ T.Ư để làm bờ kè các đoạn xung yếu nhất, đặc biệt nơi có các hộ dân đang sinh sống”, ông Trọng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.