Không có vùng cấm khi xử lý vi phạm nồng độ cồn

03/10/2023 04:21 GMT+7

Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng CSGT, công an các địa phương tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn.

Chiều 2.10, Bộ Công an tổ chức họp báo, thông tin về tình hình, kết quả công tác quý 3 và nhiệm vụ công tác trọng tâm trong quý tới. Tại cuộc họp, trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết trong quý 3/2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 864.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền hơn 1.549 tỉ đồng, tạm giữ hơn 242.000 phương tiện các loại. Trong đó, vi phạm nồng độ cồn là rất lớn, lên tới hơn 176.000 trường hợp, chiếm hơn 20% số trường hợp vi phạm.

Tháo chạy khi gặp chốt đo nồng độ cồn của tổ công tác Bộ Công an

Thành lập 6 tổ công tác

Trung tướng Tô Ân Xô cho hay để tăng cường xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, Bộ Công an đã chỉ đạo thành lập 6 tổ công tác, trong đó có lực lượng của Văn phòng Bộ Công an, Cục CSGT, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị phối hợp với công an các địa phương tổng kiểm soát, xử lý trên tinh thần "không vùng cấm, không ngoại lệ".

Không có vùng cấm khi xử lý vi phạm nồng độ cồn  - Ảnh 1.

CSGT đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tại TP.HCM

Ảnh: Nhật Thịnh

"Qua 25 ngày thực hiện, 6 tổ công tác này đã trực tiếp kiểm soát, phát hiện, lập biên bản hơn 3.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có tới 160 trường hợp người vi phạm là công chức, công an, bộ đội, nhà báo đang công tác ở các đơn vị", trung tướng Xô nói.

Thượng tá Tô Quang Minh, Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ (Cục CSGT, Bộ Công an), cho hay các trường hợp vi phạm sẽ được tổ công tác xác minh và Cục CSGT gửi thông báo về cơ quan, đơn vị để có hình thức xử lý riêng, đặc biệt là các trường hợp là cán bộ, công nhân viên chức vi phạm, theo đúng tinh thần Chỉ thị 23 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới và Chỉ thị số 10 của Thủ tướng về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

Theo Cục CSGT, quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều người là công chức, viên chức, công an, bộ đội, nhà báo, luật sư… vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện, xử lý. Có trường hợp không chấp hành đo nồng độ cồn, thậm chí có trường hợp chống đối, tấn công lực lượng làm nhiệm vụ... và đã bị khởi tố.

Cán bộ thuế dọa quăng ly nước vào mặt CSGT khi bị kiểm tra nồng độ cồn

Có đủ căn cứ xử lý kỷ luật cán bộ, công chức vi phạm

Theo ông Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức Viên chức (Bộ Nội vụ), việc Bộ Công an xử lý cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đồng thời đề cao vai trò trách nhiệm của công chức, viên chức trong thực hiện theo Chỉ thị 10/CT-TTg năm 2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Ông Ninh bày tỏ: "Dù là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hay người lao động đều phải tuyệt đối tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Nếu vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị".

Về căn cứ xử lý các vi phạm của cán bộ, công chức sau khi gửi văn bản thông báo vi phạm nồng độ cồn về cơ quan, đơn vị, ông Ninh cho biết bên cạnh bị xử phạt hành chính theo quy định, có thể căn cứ vào Nghị định 112 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. "Nghị định 112 không nêu cụ thể hành vi bị xử lý kỷ luật về giao thông đường bộ, bởi còn hàng nghìn các vi phạm pháp luật khác không thể kể hết ra. Tuy nhiên, có thể căn cứ vào các quy định về hành vi chung nêu trong nghị định. Các cơ quan, đơn vị xem xét xử lý theo từng mức độ của hành vi vi phạm".

Cụ thể, Nghị định 112 nêu rõ, các hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật như: cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật.

Mức độ của hành vi vi phạm được xác định từ gây hậu quả ít nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng; làm giảm uy tín, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị công tác; gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân...

Ngoài ra, có thể căn cứ vào Nghị định số 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Các đơn vị có thể căn cứ theo tiêu chí về việc chấp hành các chủ trương, quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức cuối năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.