Tiếp viên hàng không thu nhập... 0 đồng
Nguyễn Hoàng Sang (24 tuổi, ngụ tại Chợ Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) trở thành tiếp viên hàng không của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) từ năm 2019. Khi đó, mỗi tháng Sang bay 22 - 23 ngày, tức khoảng 90 giờ bay và mức thu nhập trên dưới 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020, các chuyến bay quốc tế gần như dừng hẳn và chuyến bay nội địa giảm dần. Do đó, Sang chỉ còn được bay khoảng 15 - 20 giờ/tháng và đến nay thì chính thức 'thất nghiệp'.
|
Sang kể: "Cứ mỗi đợt dịch bùng phát, tiếp viên hàng không sẽ thay phiên nhau nghỉ 1-3 tháng, có người thì liên tục, có người thì luân phiên tháng bay tháng nghỉ. Tần suất chuyến bay thấp nên chỉ có một số ít (khoảng 20%) tiếp viên bay làm việc mỗi tháng".
Trong đợt bùng phát dịch thứ 4 này, chuyến bay gần nhất của Sang là ngày 10.5. "Hiện tại tôi gần như không có thu nhập và không có lương", Sang chia sẻ.
Theo Sang, chế độ cơ hữu dành cho tiếp viên hàng không đã ngưng khoảng 8-10 năm nay nên những người mới như anh chỉ được hưởng thu nhập theo giờ bay, không bay thì không có tiền.
Vào thời điểm không có dịch trước đây, mỗi giờ bay (tính từ lúc máy bay lăn bánh cho đến khi dừng hẳn), tiếp viên hàng không như Sang được hưởng 220.000 đồng. Khi có dịch thì mức thù lao này giảm 50%, còn khoảng 120 - 125.000 đồng/giờ bay trong năm 2020 và năm nay đã được tăng lên 175.000 đồng.
"Giờ bay ngày càng ít đi dẫn đến thu nhập sụt giảm, không đảm bảo chi tiêu sinh hoạt. Tôi quyết định trả nhà trọ ở TP.HCM để về quê ở tỉnh Bình Dương hơn một tháng nay. Để có thu nhập trang trải cuộc sống, tôi đã dùng số tiền tích cóp được hùn vốn với bạn để bán đồ ăn vặt trực tuyến", Sang nói. Việc kinh doanh online ban đầu cũng tạm ổn nhưng ít nhiều bị đình trệ khi tỉnh Bình Dương cũng có dịch.
"Nhiều anh chị đồng nghiệp do không được bay nên đã xin nghỉ 3 - 6 tháng, kiếm việc làm tạm thời, như chạy xe ôm công nghệ, bán bảo hiểm hoặc bán hàng online, để chờ ngày được quay lại bầu trời", Sang cho biết thêm.
Cố gắng và hy vọng
Tốt nghiệp ngành xã hội học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhưng lại yêu thích ngành dịch vụ nên Sang đã ứng tuyển vào ngành tiếp viên hàng không.
"Chưa bao giờ tôi nghĩ có ngày thế giới lại rơi vào hoàn cảnh dịch bệnh như hiện tại và hàng không lại trở nên khốn khó như bây giờ. Suốt 2 tháng không được bay, tôi thực sự rất nhớ bầu trời. Nhớ nhất là những khoảnh khắc chào đón hành khách vào máy bay và khi tạm biệt họ. Nhớ đồng nghiệp và những câu chuyện trong mỗi chuyến bay, nụ cười của khách khi hài lòng và được giúp đỡ. Nhớ hình ảnh các cụ già phải đi máy bay một mình rất thương", Sang bồi hồi nói.
|
Rơi vào tình huống phải về quê bán hàng trực tuyến, Sang cho biết nhiều lúc cảm thấy chán nản và tủi thân khi công ty quản lý tiếp viên hàng không Alsimexco cũng gặp nhiều khó khăn nên không thể phụ cấp cho nhân viên như lúc dịch Covid-19 mới bùng phát.
"Tuy nhiên, đây là nỗi khổ chung của nhiều ngành nghề, nhiều người trong đại dịch Covid-19 và nghề tiếp viên hàng có thể chịu ảnh hưởng nặng nề hơn một chút. Tôi vẫn tin rằng khi dịch được khống chế, hàng không sẽ trở lại và phát triển mạnh mẽ hơn để tiếp viên được đứng ở cửa máy bay, mỉm cười chào đón hành khách", Sang bày tỏ hy vọng.
Trong thời gian này, Sang sẽ tiếp tục bán đồ ăn trực tuyến và dự định mở quầy bánh mì để có thêm thu nhập, chờ đại dịch Covid-19 qua đi.
Khát khao trở lại bầu trờiNguyễn Phi Thanh (33 tuổi), tiếp viên hàng không của hãng Vietnam Airlines, cũng nghỉ bay từ tháng 5.
Phi Thanh, ngụ đường Láng Hạ Q.Đống Đa, Hà Nội, chia sẻ: "Trong suốt 13 năm trong nghề, chưa bao giờ tôi thấy hàng không gặp khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, dịch bệnh làm ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, gây ra nhiều khó khăn cho mọi tầng lớp xã hội chứ không riêng gì tiếp viên hàng không".
Theo Thanh, ngoài thu nhập bị ảnh hưởng, tiếp viên hàng không phải cách ly tập trung sau mỗi chuyến bay quốc tế hoặc chuyến bay có khách dương tính với Covid-19. Điều này cũng phần nào làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình các tiếp viên, nhất là người có con nhỏ.
"Tuy nhiên, các tiếp viên hàng không cũng phải cố gắng thích nghi với tình hình mới, tìm niềm vui trong những ngày cách ly hay ở nhà hoặc không có chuyến bay. Mọi người cố tìm cách khắc phục khó khăn trước mắt bằng nhiều cách, chẳng hạn thử sức ở lĩnh vực tư vấn bảo hiểm, dạy tiếng Anh, mở quán cà phê... Tất cả đều mong đợi ngày trở lại bầu trời", Thanh cho biết.
Trong 2 tháng qua, Thanh đã dành thời gian tập thể dục để duy trì vóc dáng, học vẽ tranh theo Youtube, rèn luyện thêm ngoại ngữ và năng lực chuyên môn để phục vụ công việc, đồng thời tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ trực tuyến.
"Tôi luôn quan niệm rằng mọi việc đều có mặt tích cực và tiêu cực. Thay vì bi quan, chúng ta hãy tìm những hoạt động ý nghĩa để làm trong thời gian nghỉ dịch. Theo kế hoạch, đến ngày 31.8, tất cả người lao động của hãng sẽ được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19 và nhiều tiếp viên hàng không đã được tiêm đủ 2 mũi", Thanh chia sẻ.
Nữ tiếp viên hàng không đồng thời bày tỏ hy vọng toàn dân sẽ tiêm chủng đầy đủ, dịch Covid-19 được kiểm soát, hàng không sẽ phục hồi để "bầu trời lại nhộn nhịp các chuyến bay".
|
Bình luận (0)