Lớp "văn nghệ sĩ từ Đông Âu đã về già"
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, là đại diện của văn nghệ sĩ phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24.11 tại Hà Nội). Bà Mùi nêu những vấn đề mà bà cũng như các nghệ sĩ ở Hội Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật cho là quan trọng. Trong đó, bà nhắc đầu tiên đến đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật.
“Chúng tôi nhận thấy rõ đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật trẻ có trình độ chuyên nghiệp, có thực tế, dày dặn vốn sống và giỏi nghề vẫn hết sức thiếu vắng và đang bị đứt gãy sự kế tục”.
Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, sau năm 1954, Đảng và Nhà nước ưu tiên đào tạo đội ngũ văn nghệ chủ lực tại các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa, tạo nên thế hệ vàng và thời đại hoàng kim trong văn học nghệ thuật nước nhà.
“Hiện nay, đội ngũ văn học nghệ thuật đào tạo trong nước rất thiếu cơ hội tiếp cận tinh hoa văn học nghệ thuật thế giới. Phải chăng vì thế văn học nghệ thuật nói chung, nghệ thuật sân khấu nói riêng đang hiếm có khó tìm những tài năng xuất chúng trong đội ngũ sáng tạo như trước đây. Riêng sân khấu cho thấy sự thiếu hụt của đội ngũ tác giả, đạo diễn trẻ tài năng một cách trầm trọng nhất của sân khấu thế kỷ 20”, bà Mùi đặt vấn đề.
Sân khấu thiếu vắng kịch bản mới |
nhà hát tuôi trẻ |
Về phê bình nghệ thuật, NSND Trịnh Thúy Mùi cho rằng hiện các chuyên gia giỏi đã cao tuổi. Chuyên gia trẻ mới chỉ dừng ở quảng bá tác phẩm chứ chưa có bài viết lý luận phê bình, đánh giá tác phẩm chất lượng. Chưa kể, chế độ nhuận bút dù không cao song nhiều nơi cũng không đủ chi trả cho các nghệ sĩ sáng tạo.
Bà Mùi cũng đưa ra nhận định: “Các đơn vị nghệ thuật bị sáp nhập vào các đơn vị tuyên truyền phong trào nên nghệ thuật sân khấu nhiều nơi bị tha hóa vào tình trạng nghiệp dư. Tính chuyên nghiệp và nghệ thuật truyền thống đều bị phai nhạt đáng tiếc”.
Bà Mùi cho rằng, nếu không tìm được giải pháp thì sân khấu truyền thống có nguy cơ tụt hậu, đứng trước thách thức lớn trong việc phát triển. Nguyên nhân do chúng ta chưa chú ý đến việc đào tạo khán giả trẻ của sân khấu truyền thống. Lớp khán giả trung, cao niên hiểu và say mê sân khấu truyền thống trước đây đang ngày một ít dần và một ngày không xa sẽ không còn nữa.
Cũng theo bà Mùi, thực trạng ứng dụng 4.0 vào sân khấu cũng còn xa lạ. “Nền văn nghệ còn xa lạ với cách mạng công nghệ 4.0. Cơ sở vật chất đa số cũ kỹ lỗi thời khó ứng dụng. Có lẽ phải có những nhà hát với trang thiết bị tương ứng, đội ngũ sáng tạo và cả khán giả cũng phải mang tầm trí thức của thời cách mạng công nghệ”, bà nói.
Đề xuất đầu tư hàng loạt
Đại diện của giới văn nghệ sĩ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc chia sẻ, giới văn nghệ sĩ rất kỳ vọng vào đổi mới của nền văn hóa để nền văn nghệ được phát triển xứng tầm với phát triển đất nước. Họ cũng đưa ra những giải pháp để thúc đấy văn nghệ phát triển xứng tầm.
Về chế độ chính sách, bà Mùi cho rằng, những khó khăn về nhân lực tài lực khiến nhiều đơn vị nghệ thuật tồn tại phát triển còn chênh vênh. Chính sách tiền lương đã cải cách nhưng vẫn chưa tạo động lực đủ mạnh, vì vậy, ngành sân khấu cần đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, cơ chế đặc thù để đảm bảo đời sống, giảm bớt khó khăn cho văn nghệ sĩ, tạo động lực cho văn học nghệ thuật phát triển hài hòa cùng các thành phần khác.
Đêm trắng - một tác phẩm sân khấu mang tính chính luận cao |
Ảnh nhà hát kịch việt nam cung cấp |
NSND Thúy Mùi đưa ra quan điểm: “Đầu tư nguồn nhân lực là đầu tư đào tạo đội ngũ sáng tác bằng cơ chế đặc thù là gửi người đi học ở các nước phát triển để tiếp nối thế hệ tài năng cho văn học nghệ thuật. Xây dựng cơ chế đặc thù để đào tạo trong nước nhằm khôi phục dần khủng hoảng văn học nghệ thuật”.
Đầu tư đào tạo khán giả, giải pháp đưa ra là đề án phát triển nghệ thuật sân khấu bằng đào tạo về nghệ thuật sân khấu trong trường học nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống. “Đây là hoạt động cần thiết, tính khả thi cao vừa trang bị kiến thức lịch sử cho giới trẻ vừa đào tạo định hướng khán giả”, bà Mùi nói.
Đại diện các nghệ sĩ sân khấu, bà Mùi cũng đưa ra ý kiến: “Đầu tư quỹ hỗ trợ phát triển văn học nghệ thuật. Nhà nước nên đầu tư và kêu gọi đầu tư cho quỹ. Đặt hàng sáng tác tác phẩm không chỉ với các đơn vị công lập mà cả đơn vị ngoài công lập, tạo sự công bằng bình đẳng nhằm tạo điều kiện phát triển văn hóa nghệ thuật".
NSND Thúy Mùi cũng nhắc đến việc đầu tư mạnh mẽ cho tác phẩm sân khấu về đề tài hiện đại vì sự thôi thúc của xã hội. “Đây là sự đối thoại sâu sắc với người xem bằng đề tài sinh động, vấn đề đồng thuận ý Đảng lòng dân trong đời sống. Đặc biệt là đề tài chính luận về thế sự. Những tác phẩm này cần Đảng và Nhà nước tạo điều kiện được biểu diễn trong các trường Đảng, các hội nghị”, bà Mùi nói.
Bình luận (0)