Không dập được ổ dịch Bắc Giang là chống dịch thất bại

26/05/2021 05:47 GMT+7

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp khẩn chiều qua với Bắc Giang , sau khi ghi nhận các ca mắc mới tăng cao tại tỉnh này.

Dịch lây trong không khí

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, “tổng chỉ huy’’ của bộ phận công tác đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang, lo ngại cho biết biến chủng SARS-CoV-2 từ Ấn Độ gây ra dịch Covid-19 lần này lây lan rất nhanh, độc lực mạnh, gây ra nhiều ca nặng hơn.

Trưa 26.5: Thêm 40 ca Covid-19 ở Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh và 2 địa phương

Lý giải về tốc độ lây nhiễm rất nhanh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay tại Bắc Giang, dịch lây qua chuỗi và cả lây trong không khí, do môi trường kín với nhiều công nhân nên vi rút lây rất nhanh. Ông Long cho biết tại Nhà máy Hosiden (KCN Quang Châu), số lượng F1 chuyển thành F0 lên tới 55% do lây từ trước, trong khu lưu trú, trong nhà máy và trên xe đi làm. “Chủng vi rút lây lan này rất nhanh, rất mạnh, lan rất rộng. Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư báo cáo với tôi, thông thường nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sau 3 - 4 ngày vi rút mới mọc, nhưng lần này, ngày thứ 2 vi rút đã mọc rất nhiều, phát tán mầm bệnh rất nhanh, nếu xử lý chậm là muộn”, ông Long nói và cho biết ca bệnh tại Bắc Giang còn tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đề nghị Bắc Giang sàng lọc liên tục, xét nghiệm (XN) 3 ngày/lần, làm thật nhanh và hiệu quả, làm ngay tại chỗ. Mẫu XN cần XN tại chỗ, trả kết quả ngay, test nhanh chỉ khoảng 15 phút. Nếu dương tính thì chuyển ngay ca đó đi cách ly và làm lại XN PCR khẳng định. Tốc độ “quét” để sàng lọc khoảng 50.000 mẫu/ngày.
Theo Thứ trưởng Trường Sơn, tại Bắc Giang hiện đã cạn test nhanh, còn khoảng 35.000 test, ngay ngày 26.5 sẽ tập trung ưu tiên làm tại 3 điểm nóng của tỉnh.
“Ưu tiên nhất của chúng ta là dập cho bằng được ổ dịch ở Bắc Giang, không làm được sẽ thất bại, sẽ lây lan sang các địa phương khác. Bộ Y tế sẽ huy động thêm test nhanh để chống dịch”, Bộ trưởng Y tế khẳng định.

Tối 25.5: Kỷ lục 287 ca Covid-19, trong ngày ghi nhận tới 447 bệnh nhân

80% bệnh nhân ít có triệu chứng

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết thế giới đã cảnh báo biến thể lần này lây nhanh, diễn biến khó lường. Có người 3 lần XN âm tính, mà lần thứ 4 dương tính. Thời gian ủ bệnh cũng như lây truyền rất nhanh, nhưng có lúc khó đánh giá. Do đó, cách ly, quản lý tại các khu cách ly cực kỳ quan trọng.

444 ca Covid-19 mới do lây nhiễm trong nước

Bộ Y tế thông báo ngày 25.5, Việt Nam có số ca mắc Covid-19 mới cao nhất, kể từ đầu dịch với 447 ca được ghi nhận. Trong đó, 444 ca mắc do lây nhiễm trong nước, gồm tại Bắc Giang 375 ca, Bắc Ninh 28 ca, Hà Nội 23 ca, Lạng Sơn 7 ca, Hà Nam 5 ca, Đà Nẵng 2 ca, Thái Bình 1 ca, TP.HCM 1 ca, Điện Biên 1 ca và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (tại Hà Nội) 1 ca. Như vậy, tính từ ngày 27.4 (bắt đầu đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam) đến nay đã ghi nhận 2.792 ca mắc mới.
Từ đầu dịch đến nay, có 2.794 ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đã được điều trị khỏi; 44 ca tử vong; có 4.362 ca mắc trong nước và 1.489 ca nhập cảnh.      
Liên Châu

Hàng quán, tiệm cắt tóc ở Hà Nội đồng loạt đóng cửa, chuyển đổi hình thức kinh doanh

Ông Khuê cho hay vụ dịch này đã ghi nhận các ca bệnh có diễn biến nặng nhanh, có bệnh nhân (BN) trẻ diễn biến lâm sàng nhanh, chuyển trạng thái triệu chứng sang diễn biến nặng hơn trong thời gian ngắn và tử vong. Ông cũng cho biết các chuyên gia đầu ngành sẽ có chia sẻ với các tuyến điều trị về đánh giá diễn biến ca bệnh. Ví dụ bệnh cảnh chung chưa nặng rõ rệt nhưng khi có vài chỉ số giúp phát hiện sớm như: nồng độ ô xy máu giảm xuống, nhịp thở tăng 22 lần là cần cảnh giác và các bác sĩ lưu ý sẵn sàng phương tiện cấp cứu hoặc chuyển BN lên tuyến trên.
Theo ông Khuê, hiện có khoảng 80% BN Covid-19 ít có triệu chứng, như: sốt không cao, không mệt nhiều, không khó thở. Ngoài ra, các đối tượng có thể diễn biến nặng và rất nặng chiếm khoảng 20%, hầu hết có ho, sốt, khó thở, có thể chuyển sang cấp cứu. Còn các ca rất nặng chiếm khoảng 5%. Tỷ lệ ca rất nặng chiếm thấp nhất trong các BN Covid-19 nhưng nếu số mắc tăng cao thì sẽ lo ngại về gia tăng các ca bệnh nặng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.