Không để ai bị bỏ lại phía sau
Năm 2022, cả hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc, thực hiện quyết tâm “đổi đời” cho đồng bào sông nước, giúp họ chấm dứt cảnh lênh đênh.
Gia đình anh Nguyễn Văn Cường vui mừng ăn bữa cơm đầu tiên trong ngôi nhà |
Minh Hải |
Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu các cấp chính quyền và các đơn vị liên quan nhanh chóng cấp đất, hỗ trợ xây dựng nhà cho người dân chài.
Đến cuối năm 2022, trong tổng số 299 hộ dân chài sống chủ yếu trên sông Mã, sông Chu, sông Bưởi thì có 162 hộ đủ điều kiện cấp đất, hỗ trợ xây nhà. Và cũng trong thời gian cuối năm 2022, một số huyện đã hoàn thành thủ tục, trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tận tay người dân, từ đó, nhiều hộ dân đã kịp xây dựng nhà mới để đón cái tết đầu tiên trên bờ.
Tại khu vực cổng chợ Bò của TT.Thọ Xuân (H.Thọ Xuân, Thanh Hóa), trong 7 hộ dân chài được cấp đất, xây nhà thì hiện đã có 5 hộ đã kịp hoàn thành nhà để đón năm mới. Khi gặp những người dân chài tóc đã điểm bạc nhưng lần đầu tiên họ được sống trên bờ, ai cũng hồ hởi, vui vẻ chia sẻ về khoảnh khắc “lên bờ”. Từ giấc ngủ cho đến bữa ăn, tất cả với họ như một giấc mơ, và giấc mơ đã trở thành hiện thực.
Ngủ trên giường ngon hơn ngủ dưới thuyền
Trong căn nhà 2 tầng vừa kịp hoàn thành để đón năm mới, anh Nguyễn Văn Cường (46 tuổi) và vợ là chị Nguyễn Thị Hà vui mừng khôn xiết bởi từ nay họ được ngủ trên giường mà không lo mưa bão, không lo nước sông dâng cao, chảy xiết nữa.
Mẹ con chị Nguyễn Thị Hà không giấu nổi niềm vui khi được hỏi về cuộc sống mới sau khi lên bờ |
Minh hải |
“Vợ chồng tôi sinh được 3 người con. Vì sống đời sông nước có nhiều khó khăn nên chỉ cố cho 2 cháu đầu được học hết lớp 9 rồi nghỉ học đi làm thuê, còn cháu thứ 3 đang còn nhỏ. Nay có nhà mới rồi cả nhà ai cũng vui mừng, vì thế Tết này gia đình gói rồi nấu bánh chưng đầy đủ chứ không như trước đây ở dưới sông”, anh Cường nói.
Cũng như nhiều gia đình sống trên sông khác, anh Cường không biết rõ từ đời nào trong gia đình anh bắt đầu sống cảnh lênh đênh dưới sông, nhưng anh nhớ rõ những vất vả mà 46 năm qua (kể từ khi sinh ra - PV) anh đã trải qua.
“Hồi tôi cưới vợ vì không có nhà, phải tổ chức ở bãi sông. Hồi đó cũng làm mấy mâm cỗ mời anh em, người dân cùng chài lưới với nhau trên sông Chu. Hơn 20 năm lấy vợ, chưa lần nào vợ chồng tôi ngủ ngon lành như bữa dọn lên nhà ở. Cảm giác ngủ nó yên tâm lắm, chả lo thuyền trôi, chả lo đêm hôm mưa gió phải dậy tát nước nữa. Rồi cảm giác bữa đầu tiên ngồi trong căn nhà ăn cơm cùng gia đình, ấm cúng vô cùng”, anh Cường kể.
Những khu dân cư mới cho đồng bào sông nước ở tỉnh Thanh Hóa đang dần hình thành |
Minh Hải |
Nói về tương lai, anh Cường cho biết vợ chồng anh đã quyết định ra năm mới sẽ bỏ nghề chài lưới trên sông, lên bờ kiếm việc làm thuê kiếm sống để chấm dứt phận lênh đênh, vì với anh lênh đênh trên sông đã quá đủ rồi.
Ngoài 7 hộ ở H.Thọ Xuân đã được cấp đất, xây nhà, nhiều hộ dân khác ở các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc… cũng đã và đang xây dựng nhà cửa để lên bờ.
Bình luận (0)