Không để người bệnh phải mua thuốc bên ngoài

Duy Tính
Duy Tính
09/05/2024 04:13 GMT+7

Sau đại dịch Covid-19, hằng năm, thuốc cung ứng cho người bệnh, đặc biệt là thuốc phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, thuốc đặc trị… trở thành nỗi lo thường trực của ngành y tế, người bệnh.

Không để người bệnh tự mua thuốc bên ngoài cũng là vấn đề được HĐND TP.HCM đặc biệt quan tâm. Tại cuộc giám sát ngày 7.5, đại diện Sở Y tế TP.HCM đã nêu lên một số vấn đề về quản lý và sử dụng thuốc trên địa bàn, đồng thời đề xuất giải pháp.

TP.HCM là thị trường tiêu thụ thuốc rất lớn

Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thành phố là địa bàn sử dụng thuốc chữa bệnh rất lớn. Theo đó, TP có đến 129 bệnh viện (BV), 22 trung tâm y tế và 8.044 phòng khám chuyên khoa đầu ngành. Nếu như năm 2022 có hơn 34,5 triệu lượt khám bệnh ngoại trú, hơn 2,2 triệu lượt nội trú thì đến năm 2023, số lượt ngoại trú tăng lên hơn 38,5 triệu và hơn 2,3 triệu lượt nội trú.

Để phục vụ cho các BV, bệnh nhân, TP.HCM có 43 nhà máy sản xuất thuốc, 1.512 cơ sở buôn bán thuốc và nguyên liệu làm thuốc, 8.387 nhà thuốc bán lẻ, 357 cơ sở bán lẻ thuốc đông y và thuốc từ dược liệu.

"Các nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn sản xuất thuốc tốt của TP.HCM đã định hướng tập trung đầu tư, nghiên cứu sản xuất và sản xuất gia công các thuốc chuyên khoa đặc trị về điều trị viêm gan, ung thư, tiểu đường, tim mạch và các chế phẩm từ máu và huyết tương", bác sĩ Hoài Nam nói.

Nói về thực trạng cung ứng thuốc, theo bác sĩ Hoài Nam, sau đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng chiến sự của một số nước trên thế giới, VN đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt thuốc do gián đoạn nguồn cung ứng thuốc thành phẩm và nguyên liệu sản xuất thuốc. Riêng tại TP.HCM, sản lượng thuốc tiêu thụ chiếm từ 25 - 30% của cả nước. Do đó, công tác cung ứng thuốc nhằm bảo đảm nhu cầu thuốc cho điều trị là một thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn ngành dược TP.HCM.

Công tác đấu thầu, mua sắm thuốc tại các cơ sở y tế công lập được tiến hành (mua theo đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương và riêng lẻ), ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước. Dù rất nỗ lực, cố gắng, nhưng có những khó khăn do có một số văn bản liên quan đến dược chưa được ban hành kịp thời, điều này dẫn đến gián đoạn trong đấu thầu, mua sắm và cung ứng thuốc.

Mặt khác, TP.HCM có nhiều BV tuyến cuối, đầu ngành nên số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh nhiều, gây áp lực cho việc cung ứng thuốc, nhất là thuốc đặc trị. Trong khi đó, tình hình chiến sự trên thế giới, việc chậm trễ gia hạn số đăng ký thuốc của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), biến động trong chính sách của các chương trình mục tiêu quốc gia đã ảnh hưởng đến nguồn cung ứng toàn cầu và nguồn cung ứng thuốc trong nước…

Lãnh đạo Viện Tim TP.HCM cho biết đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc cho người bệnh

Lãnh đạo Viện Tim TP.HCM cho biết đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc cho người bệnh

Duy Tính

Đề xuất phân cấp thủ tục cấp phép thuốc nhập khẩu

Theo bác sĩ Hoài Nam, với đặc điểm như đã nói trên và trong thực tế hoạt động giai đoạn vừa qua, đã có nhiều trường hợp thuốc chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị.

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu thuốc cho các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, Sở Y tế TP.HCM đã đề xuất phân cấp thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế cho UBND TP.HCM.

Theo đó, UBND TP.HCM được phân cấp thẩm quyền quyết định cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt, phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh đối với một số nhóm. Cụ thể là thuốc sử dụng cho mục đích cấp cứu, chống độc; chống thải ghép; thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm; thuốc có trong hướng dẫn phòng và xử trí sốc phản vệ do Bộ Y tế ban hành hoặc phê duyệt; thuốc được sử dụng cho người bệnh cụ thể đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh để chẩn đoán, dự phòng hoặc điều trị đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A, bệnh ung thư, HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh sốt rét; thuốc điều trị các bệnh hiểm nghèo khác do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định.

"Nguồn cung ứng thuốc hiếm vẫn là một vấn đề nan giải, cần sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan do ít công ty sản xuất, nhập khẩu và phân phối, giá trị tiền thuốc cao, nhu cầu sử dụng không thường xuyên. Đây hầu hết là các thuốc dùng trong trường hợp khẩn cấp và không sẵn có ở VN. Để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, Sở Y tế TP.HCM đã đề xuất Bộ Y tế thành lập trung tâm dự trữ thuốc quốc gia và sửa đổi một số quy định mua sắm thuốc tập trung phù hợp với yêu cầu thực tế. Sở Y tế cũng kiến nghị UBND TP.HCM trích nguồn ngân sách để tổ chức mua sắm, dự trữ thuốc hiếm phục vụ cho công tác khám chữa bệnh trên địa bàn", bác sĩ Hoài Nam thông tin.

Để chủ động nguồn thuốc về lâu dài, ngày 4.3 vừa qua, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 657 phê duyệt đề án "Phát triển công nghiệp dược TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". TP.HCM đã quy hoạch phát triển khu công nghiệp chuyên ngành y - dược tại H.Bình Chánh.

Khu công nghiệp này với các chức năng là Trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo về lĩnh vực y dược. Tập trung các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm chuyên ngành y - dược và sản phẩm phụ trợ thuộc phân khúc kỹ thuật cao. Trung tâm giao dịch về các sản phẩm chuyên ngành y - dược và sản phẩm phụ trợ.

Dự kiến khu công nghiệp chuyên ngành y - dược sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đưa vào hoạt động từ năm 2030 với các chính sách hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ, Bộ Y tế và UBND TP.HCM để thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian sớm nhất, phục vụ công tác cung ứng thuốc có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu điều trị. Ngoài ra, TP.HCM còn có kế hoạch phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại.

Chờ thông tư hướng dẫn đấu thầu mới

Ngày 8.5, trả lời Thanh Niên, lãnh đạo một số BV cho biết dù luật Đấu thầu mới có hiệu lực từ 1.1.2024, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn đấu thầu thuốc. Tuy nhiên, đã lường trước việc này nên các BV cũng đã đấu thầu mua sắm, dự trữ sẵn để có thể đủ thời gian chờ chuyển tiếp.

"Với các dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, chúng tôi đã dự trữ. Nếu dịch bệnh có đột biến xảy ra, thiếu thuốc thì có thể xin mua theo cơ chế chống dịch. Còn những thuốc điều trị khác thì chờ thông tư hướng dẫn luật Đấu thầu mới", lãnh đạo BV Nhi đồng 1 nói.

Lãnh đạo BV Nhân dân 115 cũng cho biết, BV có kết quả trúng thầu thuốc từ đầu năm 2024 nên mua sắm đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh hiện nay. BV cũng đang chờ thông tư hướng dẫn đấu thầu mới để xây dựng đấu thầu, mua sắm cho những tháng tiếp theo. "BV xây dựng mua sắm rất kỹ, hạn chế tối đa việc để người bệnh ra ngoài mua, trừ những trường hợp cấp bách", lãnh đạo BV Nhân dân 115 cho biết.

Đẩy mạnh sử dụng thuốc đông y

Tại cuộc giám sát của HĐND TP.HCM ngày 7.5, đại biểu Tăng Hữu Phong cho rằng cần hướng tới đẩy mạnh việc sử dụng thuốc đông y. Theo ông, hiện nay TP.HCM chỉ có trên 300 nhà thuốc y học cổ truyền là còn quá ít so với nhu cầu của người dân về sử dụng thuốc nam, đông y trong phòng chống bệnh.

Cần đẩy mạnh hệ thống khám chữa bệnh bằng thuốc đông y vì có thể thấy chi phí cho tiền thuốc tây của người dân rất cao, trong khi nguồn dược liệu thuốc nam tại VN rất nhiều. Thay vì người dân bỏ tiền ra ngoài mua thực phẩm chức năng hay thuốc mà có thể gặp hàng nhái, hàng giả thì cũng có thể đầu tư thay bằng thuốc đông y.

Ông Phong dẫn giải, hiện nay, tổng số tiền thuốc người dân sử dụng trong năm 2023 có thể quy ra khoảng 7,5 tỉ USD. Trong đó, số tiền mà bảo hiểm y tế chi trả cho thuốc chỉ khoảng 40.000 tỉ đồng (khoảng 1,7 tỉ USD). Như vậy tiền túi của người dân phải trả chiếm khoảng 70%.

Trong khi đó, độ bao phủ của bảo hiểm y tế rất cao (92%) nhưng mức chi trả rất ít nên người dân phải bỏ tiền túi rất nhiều, như vậy sẽ gặp nguy cơ mua phải những loại thuốc, thực phẩm chức năng với giá cao không đúng với giá trị thực của nó.

Du Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.