Không để tham nhũng, tiêu cực làm hỏng bộ máy, mất chế độ

Lê Hiệp
Lê Hiệp
20/11/2022 07:08 GMT+7

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phòng, chống tham nhũng phải làm quyết liệt, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không chủ quan; không để tham nhũng, tiêu cực làm hỏng bộ máy, làm mất chế độ.

Sáng 19.11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội (QH) TP.Hà Nội tiếp xúc cử tri các quận: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng (đơn vị bầu cử số 1) báo cáo kết quả kỳ họp 4 QH khóa 15.

Tránh để thành ung nhọt mới phát hiện và xử lý

Nêu ý kiến với các đại biểu QH, nhiều cử tri đánh giá kỳ họp 4 đã hoàn thành nhiệm vụ với khối lượng công việc lớn, nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng được thảo luận, thông qua, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước người dân, đất nước. Ông Nguyễn Văn Chương (P.Láng Hạ, Q.Đống Đa) nhấn mạnh kỳ họp diễn ra trong bối cảnh đất nước có nhiều hoạt động ngoại giao quan trọng, đặc biệt là chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần đầu tiên sau Đại hội XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo ông, chuyến thăm được người dân trong nước, dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm, có ý nghĩa đặc biệt, tác động sâu sắc tới quan hệ giữa VN và Trung Quốc.

Liên quan tới công tác phòng, chống tham nhũng, nhiều cử tri đánh giá cao kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua. Cạnh đó, cử tri cũng lo lắng khi tội phạm tham nhũng, chức vụ có chiều hướng tăng, phạm vi ngày càng mở rộng ở các lĩnh vực, tỉnh, thành, huyện, xã, bộ, ngành với thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Cử tri đề nghị cần làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng theo hướng “từ sớm, từ xa”, tránh để thành ung nhọt mới phát hiện và xử lý.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri Hà Nội

ANH SƠN

Chuyến thăm Trung Quốc thể hiện vị thế Việt Nam

Tiếp thu ý kiến cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị tại hội nghị, khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ, báo cáo QH. Tổng Bí thư khẳng định QH cũng là cơ quan trong hệ thống chính trị, cũng như Chính phủ phải chấp hành theo chủ trương của Đảng vì Đảng ta là Đảng cầm quyền. QH do dân bầu ra nhưng hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng. “Có cái mừng là nhiều nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt nói chung cả nước ta, ý Đảng lòng dân, QH, Chính phủ đều hòa đồng với nhau, đều thống nhất rất cao. Đấy là cái ưu việt của chế độ ta”, Tổng Bí thư nhấn mạnh và thông tin sắp tới sẽ ban hành Nghị quyết về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN VN đã được thông qua tại Hội nghị T.Ư 6, hiện Bộ Chính trị đang hoàn thiện.

Nhấn mạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, Tổng Bí thư khẳng định lại quan điểm: đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Theo Tổng Bí thư, cuộc sống của người dân bây giờ rất khác trước, đầy đủ, có điều kiện hơn.

Chia sẻ về chuyến thăm chính thức Trung Quốc mà cử tri quan tâm, Tổng Bí thư cho biết chuyến thăm cũng thể hiện vai trò, vị thế của VN. Theo Tổng Bí thư, từ trước khi Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc 1 tháng, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gửi thư mời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản VN sang thăm. Tổng Bí thư cũng khẳng định, chuyến thăm với “rất nhiều ngoại lệ” rất thành công, đạt nhiều kết quả.

“Đã trót nhúng chàm thì rửa tay đi”

Liên quan tới phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư cho biết tới nay không chỉ có Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà 100% các tỉnh, thành trong cả nước đều đã thành lập Ban Chỉ đạo ở cấp tỉnh. Nhắc lại lưu ý “tham gia vào Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng mà tham nhũng thì tôi xử trước”, Tổng Bí thư yêu cầu Hà Nội phải gương mẫu, đi đầu.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, nếu không quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực, hư hỏng, suy thoái trong cán bộ thì “đến lúc nào đó coi chừng tan vỡ”. Cho nên, quan trọng nhất là cán bộ, đảng viên phải giữ gìn phẩm chất, đạo đức, tư cách, lối sống trong sạch. “Phải gương mẫu, phòng là tốt nhất”, Tổng Bí thư lưu ý.

Nhắc lại việc thời gian vừa qua cơ quan chức năng xử lý hàng loạt vụ “tưởng như không làm được nhưng giờ bắt rồi”, Tổng Bí thư cho biết ngày 18.11, Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng vừa họp, báo chí có đăng tin, thống kê đầy đủ làm bao nhiêu vụ, sắp tới làm những vụ nào. “Kể tên từng vụ, chả có gì bí mật cả. Khối anh sợ. Mà không thể không làm được vì đã thành xu thế, phong trào. Đây là niềm tin của dân, đòi hỏi của cuộc sống nên không thể không làm. Ngược lại, phải đấu tranh không ngừng, không nghỉ, tất nhiên không được chủ quan”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư khẳng định, hiện nay T.Ư Đảng chủ trương khuyến khích “anh nào có sai phạm tự giác xin thôi, tự giác nộp lại tiền thì miễn xử hoặc xử nhẹ”. “Không phải xử nặng mới là tốt, không phải cách hết chức vụ mới là tốt. Vừa rồi, T.Ư có mấy đồng chí xin nghỉ, tức là có sai lầm thì tự giác. T.Ư rất khuyến khích, hoan nghênh. Đó là cái mới rất nhân văn. Nhưng nếu ngoan cố thì phải xử”, Tổng Bí thư nói và cho biết hiện cũng đang làm một số vụ và mong cử tri ủng hộ.

Theo Tổng Bí thư, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là đấu tranh trong nội bộ, trong chính chúng ta và trong mỗi con người, là công việc rất khó khăn, phức tạp. Do đó, phải kiên trì, bền bỉ, có phương pháp đúng; đồng thời cũng phải nhân đạo, nhân văn, không cốt xử nặng. “Đã trót nhúng chàm rồi thì rửa tay đi, như thế nhẹ nhàng hơn mà đỡ có thù oán gì không cần thiết”, Tổng Bí thư khẳng định.

Tổng Bí thư cũng lưu ý phòng, chống tham nhũng phải kiên trì, bền bỉ, làm lâu dài vì xong vụ này lại xảy ra vụ khác. “Bây giờ có những người xảy ra cái là trốn đi nước ngoài. Trốn đi sang nước ngoài thì sang nước ngoài bắt về đây. Không bắt được thì luật pháp của ta cho phép xử vắng mặt. Trốn cũng không được, trốn đi rồi ta vẫn có quyền xử vắng mặt”, Tổng Bí thư nói, nhấn mạnh phải làm quyết liệt, không để tham nhũng, tiêu cực làm hỏng bộ máy, làm mất chế độ.

“Mong các bác tiếp tục quan tâm cuộc chiến chống giặc nội xâm vì thứ giặc này còn nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Tuyệt đối không để cài cắm lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật

Đó là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tại hội nghị báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4, QH khóa 15 với cử tri 4 quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng), diễn ra vào chiều qua (19.11).

Tại hội nghị, liên quan đến ý kiến cử tri về xây dựng pháp luật, Thường trực Ban Bí thư đánh giá, yêu cầu xây dựng pháp luật trong tình hình mới với các văn bản pháp luật có chất lượng, khoa học, tính khả thi, tránh được sự chồng chéo, xung đột giữa các luật với nhau… là việc làm cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

“Đặc biệt là, không để xảy ra việc cài cắm lợi ích nhóm trong xây dựng và ban hành pháp luật. Người ta nói tham nhũng chính sách rất ghê gớm. Đôi khi tham nhũng một số tiền, dự án, miếng đất cụ thể thì hữu hình, đo lường và định giá được. Nhưng khi pháp luật bị lợi ích nhóm cài cắm và những người làm luật kết hợp với nhóm lợi ích tự khoét một lỗ hổng để chui qua, thì đó là tham nhũng chính sách. Hậu quả rất là lớn. Hiện nay, Bộ Chính trị đã có chỉ đạo tuyệt đối không để cài cắm lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng pháp luật”, ông Thưởng nhấn mạnh.

Thường trực Ban Bí thư cũng đặt vấn đề về việc giám sát của các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng pháp luật.

Theo ông Võ Văn Thưởng, vừa qua, nhất là cuối năm 2021 và trong năm 2022, trong công tác xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm đã kịp thời thay thế cán bộ có uy tín giảm sút, năng lực hạn chế mà không chờ hết nhiệm kỳ. “Có những trường hợp cán bộ bị cảnh cáo cho thấy uy tín bị giảm sút. Bị kỷ luật đến mức đó thì năng lực cũng có những thiếu sót, hạn chế và để gìn giữ sự trong sạch của Đảng thì đã cho những đồng chí đó thôi nhiệm vụ. Đối với những cán bộ trẻ còn thời gian công tác, có sai phạm nhưng tự giác nhận khuyết điểm, xin từ chức thì có thể xem xét bố trí chức vụ thấp hơn theo tinh thần “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”, “ngã chỗ nào thì đứng dậy chỗ đó” để rèn luyện”, Thường trực Ban Bí thư nói và khẳng định T.Ư luôn coi trọng công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, mà khái quát là “không thể, không dám và không muốn tham nhũng”. Không thể tức là pháp luật chặt chẽ, không dám tức là xử lý nghiêm để người đi sau thấy người đi trước như vậy thì sẽ tự tránh, và giáo dục, bồi dưỡng để tự mỗi cán bộ ý thức không muốn tham nhũng.

Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.