Ngày 25.12, UBND tỉnh Bình Định cho biết đã ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội xuân 2025 trên địa bàn.
Theo đó, kế hoạch sẽ được triển khai từ ngày 24.12 đến 25.3.2025 trên phạm vi toàn tỉnh. Trong khoảng thời gian này, các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tập trung tuyên truyền, triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, cũng như mùa lễ hội xuân 2025.
Cụ thể, đối với cấp tỉnh, UBND tỉnh Bình Định giao Sở Y tế, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về an toàn thực phẩm chủ trì, phối hợp với Sở NN-PTNT, Sở Công thương, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, phê duyệt kế hoạch kiểm tra về an toàn thực phẩm; ban hành quyết định kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm.
Đối với cấp huyện, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chủ động tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của địa phương ngay sau khi kế hoạch này được ban hành.
Đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp tết và các lễ hội, như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm...
Trong đó, các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm... Các đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện, cấp xã thực hiện kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn quản lý...
Các đoàn kiểm tra khi phát hiện vi phạm, phải xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; tuyệt đối không để các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường; không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục.
Bình luận