Bài viết tham gia cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen:

Không dùng đèn chớp tắt tốn điện năng mà nhà vẫn đẹp

Thói quen dùng đèn chớp tắt trang trí trong gia đình bên vợ tôi đã có từ lâu lắm rồi. Bà xã tôi kể vậy. Bàn thờ ông bà được kết nhiều dây đèn chớp tắt khi mở lên trông rất lung linh huyền ảo. Tất nhiên những đèn này được mở suốt ngày nên lượng điện tiêu thụ cộng lại không hề nhỏ.

Rồi những dây đèn chớp tốn điện năng ấy được kết dọc ngang trên trần nhà, rũ xuống theo từng ô cửa lại được mở sáng liên tục trong ngày. Anh chị em đều chung ý kiến, rằng bàn thờ cần sáng rực mới thể hiện lòng thành kính của con cháu. 

Không dùng đèn chớp tắt tốn điện năng mà nhà vẫn đẹp - Ảnh 1.

Đèn chớp trên bàn thờ gia đình tôi chỉ được mở những dịp quan trọng như lễ cưới và trong một thời gian ngắn

NGUYỄN HỮU NHÂN

Tôi nhiều lần phàn nàn về việc mở đèn chớp tắt trong thời gian dài như thế vừa ngốn điện vừa có thể nguy hiểm gây cháy nổ. Vài anh chị em không tán thành, cho rằng những dây đèn này công suất thấp, không gây hao tốn điện năng, khả năng gây cháy nổ không thể xảy ra. 

Đã vậy những dịp lễ tết, giỗ chạp họp mặt trong nhà, các anh chị còn mang nhiều cây kiểng vào trưng bày cả trong nhà và ngoài sân cho xứng danh dân làng hoa Sa đéc. Những chậu hoa kiểng ấy được thả nhiều dây đèn chớp tắt cùng những tấm giấy bạc để phản chiếu ánh đèn cho thêm phần rực rỡ. 

Do suy nghĩ làm đẹp nhà cửa và cũng chẳng tốn hao điện năng nên những dây đèn chớp tắt trang trí ấy được mở suốt ngày, cho dù ánh sáng ngày hè chói chang lan tỏa khắp nơi trong nhà. Dây nào hỏng lập tức được thay dây mới ngay.

Tôi cùng một số thành viên "đổi mới" của gia đình có chung nhận thức tuy tính riêng thì mỗi dây đèn chớp tắt có công suất nhỏ, chưa tốn hao điện năng. Nhưng nhiều dây đèn cùng được sử dụng một lúc và kéo dài trong một khoảng thời gian khá lâu thì sẽ mang đến việc chỉ số điện tăng đáng kể. 

Bên cạnh đó, gia đình bên vợ tôi cũng như khá nhiều bà con khác trong xóm thích trưng bày tượng tôn giáo được chế tác có đèn chớp tắt bao quanh. Tất nhiên những đèn này được mở suốt ngày. Lượng điện tiêu thụ cộng lại không hề nhỏ. 

Phải "tiết kiệm điện thành thói quen"

Phải từng bước chung tay làm thay đổi hành vi sử dụng điện vào mục đích trang trí này đến những người trong gia đình?. Nghĩ là tôi làm. Thoạt đầu là hạn chế số dây đèn sử dụng . Sau đó là giảm số giờ mở sáng của các dây đèn chớp tắt này. Người nhà có phản ứng nhưng rồi mưa dầm thấm lâu, dần dà cũng chấp nhận vì thấy quả thật mở đèn ban ngày cũng phí. 

Tiếp đó, chúng tôi thuyết phục gia đình tháo gỡ bớt các dây đèn trang trí ấy trong nhà. Ngày giỗ chạp, lễ tết chỉ còn sử dụng một dây đèn và chỉ mở vào buổi tối trong khoảng thời gian ngắn. Các dây đèn gắn ngoài nhà, trên sân thượng, ngoài cổng lần lượt được thu dọn, thay bằng các dây leo, các loài hoa kiểng. Ngôi nhà trông sáng sủa hẳn lên.

Nhà hàng xóm biết chuyện, qua trao đổi, chủ nhà quyết định không mở mấy ngọn đèn cao áp 1000w mỗi bóng để chiếu sáng bảng hiệu kinh doanh của mình vào buổi tối nữa. Anh nói ban ngày khách hàng cũng thấy rõ cửa hàng và biết sẽ được cung cấp những gì nên tắt bớt đèn cũng không ảnh hưởng đến lượng sản phẩm bán ra.

Không dùng đèn chớp tắt tốn điện năng mà nhà vẫn đẹp - Ảnh 3.

Nhà hàng xóm biết chuyện, qua trao đổi, chủ nhà quyết định không mở mấy ngọn đèn cao áp để chiếu sáng bảng hiệu kinh doanh của mình vào buổi tối nữa

NGUYỄN HỮU NHÂN

Các cửa hàng cạnh bên cũng giảm thời lượng mở đèn quảng cáo xuống mức thấp nhất hàng đêm. Cũng có bạn tắt luôn đèn quảng cáo chạy trên bảng hiệu đã sử dụng từ lâu nay. Bạn nói thật ra không có mấy khách hàng dừng chân dọc cho hết nội dung câu chữ trên bảng đèn. Chưa tính đến việc đang lưu thông mà mãi đọc chữ thì khó đảm bảo an toàn cho bản thân và cho người xung quanh. 

Tắt bớt đèn quảng cáo vào ban ngày và cả ban đêm là thiết thực góp phần tiết kiệm điện cho gia đình và cho xã hội. Những hộ cạnh nhau có mở đèn chiếu sáng bảng hiệu lại tự thống nhất với nhau thay phiên mở đèn theo ngày chẳn, lẻ nên nhà nào cũng tiết giảm một lượng điện đáng kể.

Nhà tôi nằm trong khu vực có đông bà con có tín ngưỡng tôn giáo. Trước đây, những dịp lễ trọng, bà con giăng đèn trang trí trong ngoài rất nhiều, nổi bật để thu hút nhiều người đến xem. Thời gian mờ đèn có khi liên tục nhiều đêm. Nhưng từ khi ngành điện kêu gọi tiết kiệm năng lượng, bà con hưởng ứng ngay. 

Không dùng đèn chớp tắt tốn điện năng mà nhà vẫn đẹp - Ảnh 4.

Đèn trang trí chớp tắt thì hạn chế sử dụng đến mức thấp nhất

NGUYỄN HỮU NHÂN

Việc mở đèn chớp trang trí chỉ còn một vài đêm, trong vài tiếng đồng hồ. Sau 22 giờ, mọi thứ đều được tắt hết. Việc này đã trở thành thói quen tốt của bà con. Mỗi nhà cùng tiết giảm năng lượng một ít, nhiều gia đình cùng như thế, chắc chắn sẽ góp phần làm giảm áp lực cho ngành điện đang rất... căng thẳng hiện nay. 

99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen":

Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.

Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023. (Bài viết dự thi đăng báo sẽ được vào vòng trong và không chấm nhuận bút).

Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.