Bài viết tham gia cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen:

'Tiết kiệm điện thành thói quen' rất hiệu quả từ nhà trường

16/06/2023 10:16 GMT+7

Trong cuộc sống hàng ngày, trẻ em phải được giáo dục ý thức tiết kiệm điện từ gia đình bằng những việc làm nhỏ nhất như tắt đèn, quạt điện khi không sử dụng. Đặc biệt, nhà trường là nơi quan trọng truyền tải các thông tin của việc sử dụng tiết kiệm điện hiệu quả cho đông đảo học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều công văn yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường học tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, giải pháp tiết kiệm điện trong ngành, thậm chí chương trình dạy học cũng có lồng ghép việc giáo dục ý thức tiết kiệm điện.

'Tiết kiệm điện thành thói quen' rất hiệu quả từ nhà trường - Ảnh 1.

Nhân viên EVNHCMC vận hành hệ thống cung cấp điện đến khách hàng

EVNHCMC

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, cả nước có trên 20 triệu học sinh phổ thông. Giáo dục ý thức tiết kiệm điện cho học sinh tức là làm cho gần 20% dân số hiểu biết các vấn đề về tiết kiệm điện, hiệu quả. Nếu học sinh thực hiện tốt việc tuyên truyền về tiết kiệm điện thì số lượng này tăng lên gấp nhiều lần, góp phần tiết kiệm chi phí cho mỗi gia đình. 

Do đó, việc đưa giáo dục ý thức tiết kiệm điện vào nhà trường qua việc giảng dạy các môn học hiện nay là cần thiết. Trước hết, nó phù hợp với đối tượng học sinh và với yêu cầu phải tích hợp các nội dung này vào các môn học. Tiết kiệm điện thành thói quen giúp cho giáo viên dễ dàng khai thác kiến thức môn học phù hợp với các xu hướng phát triển khoa học công nghệ về năng lượng, giúp cho học sinh biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống, trở thành thói quen cho các em theo thời gian lớn lên sau này.

Trong thời gian qua, trường chúng tôi đã thực hiện việc giáo dục học sinh tiết kiệm điện với những nội dung sau:

Tận dụng các nguồn chiếu sáng tự nhiên, mở cửa sổ tạo sự thoáng mát, trong lành của môi trường lớp học, giảm thiểu sử dụng điện trong học tập, sinh hoạt. Chỉ mở đèn, quạt khi thấy thật sự cần thiết, các thiết bị dạy học có sử dụng điện phải thực hiện hợp lý, hiệu quả. Bên cạnh đó nhắc nhở các em ở gia đình, phải tắt nguồn thiết bị điện khi không sử dụng, chỉ dùng các loại bóng đèn tiết kiệm năng lượng…

Một số biện pháp phòng tránh bị điện giật; tránh gây hỏng đồ điện; cách đề phòng điện quá mạnh gây chập và cháy. Nhắc nhở gia đình, người thân thực hiện một số biện pháp tiết kiệm điện đã được học trên lớp và tìm hiểu qua các phương tiện thông tin.

'Tiết kiệm điện thành thói quen' rất hiệu quả từ nhà trường - Ảnh 2.

Đưa nội dung tiết kiệm điện vào môn học Công nghệ lớp 6 (chụp lại từ sách Công nghệ lớp 6, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống)

NVCC

Để thực hiện các nội dung trên, nhà trường đã thực hiện nhiều phương pháp tương đối đơn giản nhưng mang lại hiệu quả thiết thực, có tính thuyết phục cao.

Phương pháp khảo sát thực tế:

Cho học sinh tham gia hoạt động khảo sát thực tế việc tiết kiệm điện trong phạm vi các em có thể tiếp cận như trong phòng thí nghiệm của nhà trường hoặc theo chỉ số ở đồng hồ điện gia đình với sự chỉ dẫn của giáo viên để so sánh.

Phương pháp thực nghiệm:

Tổ chức các em học sinh được tham gia vào các cuộc thi vẽ tranh với chủ đề tiết kiệm điện. Bộ phận Đoàn Đội tổ chức thi hoạt cảnh lồng ghép giáo dục ý thức tiết kiệm điện bằng những tình huống giả định.

Phương pháp nêu gương:

Bản thân giáo viên thường xuyên thực hiện việc tiết kiệm điện bằng những hành động dù nhỏ nhặt nhất như tự tắt quạt ở bàn giáo viên trước khi ra lớp, nhận xét, đánh giá, nêu những tấm gương tiết kiệm điện cụ thể của học sinh trong lớp học.

'Tiết kiệm điện thành thói quen' rất hiệu quả từ nhà trường - Ảnh 3.

Nhà trường là nơi quan trọng truyền tải các thông tin của việc sử dụng tiết kiệm điện hiệu quả cho đông đảo học sinh

Phước Hải

Phương pháp lồng ghép:

Thông qua những môn học như: Công nghệ, giáo dục công dân, hoạt động ngoài giờ lên lớp, hướng nghiệp trải nghiệm… đưa những nội dung tiết kiệm điện như cải tạo phải trang bị mới phương tiện, sử dụng điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; nghiêm cấm mua sắm mới đèn nung sáng... vào vở ghi của các em; in thông điệp, hướng dẫn tiết kiệm điện lên bìa vở học sinh.

Nhờ những biện pháp nêu trên mà trong những năm qua, trường học của chúng tôi đã tiết kiệm hơn hàng chục triệu đồng tiền điện. Số tiền tiết kiệm được đủ để nhà trường mua tập vở bút mực cho những học sinh nghèo vượt khó, học sinh khuyết tật.

"Tiết kiệm điện thành thói quen" với tổng giải thưởng 99 triệu đồng và quà tặng

Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.

Cuộc thi dành cho các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6-31.8.2023.

Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.