Dự thảo đang được lấy ý kiến của các ngành và quốc gia có nhiều lao động nhập cư như Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam. Theo dự thảo, nữ lao động nhập cư mang thai là bất hợp pháp ở Thái Lan, nếu thai kỳ từ 3 đến 4 tháng trở lên sẽ không còn cơ hội làm việc. Các ông chủ không được phép tuyển dụng họ và giới chức Thái Lan chỉ cho phép họ quay lại với công việc sau khi đã sinh con ở nước mình.
Hơn 2 triệu lao động nhập cư đang làm việc tại Thái Lan trong các ngành nghề như công nghiệp, xây dựng, dịch vụ ăn uống và giúp việc nhà. Đó là những ngành có thu nhập thấp hoặc người Thái không thích. Bộ Lao động nước này giải thích xuất phát từ thực tế là nhiều phụ nữ muốn sinh con ở Thái Lan vì điều kiện tốt hơn ở quê nhà dù sản phụ nhập cư không được hưởng những tiện ích y tế như người trong nước. Số liệu thống kê của các tổ chức xã hội cho thấy hằng năm có hàng chục ngàn trường hợp sinh con có liên quan đến sản phụ nước ngoài ở Thái Lan.
Một thực tế không thể phủ nhận đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua, đó là đẻ thuê. Đường dây sinh con hộ vẫn âm thầm được tổ chức ở Thái Lan với sự tham gia của các phụ nữ nhập cư dưới dạng lao động phổ thông. Đường dây đẻ thuê liên quan đến 15 cô gái Việt Nam vừa được đưa ra xét xử là trường hợp đầu tiên bị phát hiện ở Thái Lan. Bộ Lao động cho rằng thực tế trên đã biến Thái Lan thành trung tâm buôn người ở khu vực Đông Nam Á.
Bà Đỗ Thúy Hà, một nhà hoạt động xã hội, giúp đỡ cộng đồng lao động Việt Nam ở Thái Lan nhận định chính sách này bất công đối với các lao động nữ nhập cư nếu được áp dụng. “Khi cần thì lôi kéo họ nhưng khi không còn cần nữa thì tìm cách xô đuổi, đó là chính sách không công bằng”, bà Hà phát biểu với Thanh Niên. Theo bà Hà lao động di cư đóng góp đáng kể cho sự phát triển của kinh tế Thái Lan trong hàng chục năm qua.
Hồi 2004 Bộ Lao động từng đề nghị chính sách này nhưng chính phủ ông Thaksin Shinawatra lúc đó đã không đồng ý.
Minh Quang
(Văn phòng Bangkok)
>> Vụ bị vắt kiệt sức, lao động VN kêu cứu: Chỉ được bồi thường gần 10 triệu đồng
>> Điêu đứng vì “cò” xuất khẩu lao động
>> Bị vắt kiệt sức, lao động Việt Nam kêu cứu
>> Pháp giảm tuổi hưu cho một bộ phận lao động
Bình luận (0)