Từ Cảm Hiếu Đường...
Sau những biến thiên và xáo trộn, giờ đây NSNA Đặng Mậu Hiệp trở lại với ngôi nhà thân thuộc nơi người cha là cụ Phạm Tuấn Khánh (tên thật là Đặng Khánh Côn: 1919 – 2008) nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL) đã dành những năm tháng hưu trí lập nhóm Trà Lĩnh (gồm nhiều dịch giả Hán Nôm uyên bác: Trương Chính, Nguyễn Đình Chú, Phạm Tú Châu, Bùi Hạnh Cẩn, Khương Hữu Dụng, Đỗ Văn Hỷ, Vũ Khiêu, Vũ Đình Liên, Ngô Linh Ngọc, Trần Thị Băng Thanh, Trần Lê Văn…) cặm cụi biên soạn và dịch ra Quốc ngữ các tác phẩm của cụ tổ Đặng Huy Trứ: Đặng Dịch Trai ngôn hành lục; Từ thụ yếu quy (Bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của người xưa); Hoàng Trung thi văn; Tùng chinh di quy… Đồ sộ nhất là bộ Đặng Huy Trứ con người và tác phẩm (GS Vũ Khiêu viết Lời giới thiệu, Nhà xuất bản TP.HCM phát hành 1990).
Mới đây, nhân dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần (2022) bà Trần Thị Thu Đông - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã tới nhà B16 Kim Liên dâng hương tưởng nhớ cụ Đặng Huy Trứ. Bên những tư liệu của gia đình, ông Đặng Mậu Hiệp lần hồi lại câu chuyện về ông tổ nghề nhiếp ảnh Việt Nam. Dấu mốc lịch sử đầu tiên xuất phát từ Cảm Hiếu Đường…
Ngày 2 tháng 2 năm Kỷ Tỵ tức ngày ngày 14.3.1869, một sự kiện gây xôn xao khắp ba miền trong nước: tại phố Thanh Hà (Hà Nội) khai trương hiệu ảnh đầu tiên mang tên Cảm Hiếu Đường do các môn hạ được Tiến sĩ Đặng Huy Trứ lựa chọn hành nghề.
Không gian tưởng niệm danh nhân Đặng Huy Trứ tại tầng 4 – B16 Kim Liên (Hà Nội) |
tư liệu gia đình NSNA Đặng Mậu Hiệp |
Nhiếp ảnh Việt Nam do người Việt Nam khởi xướng đã chính thức ra đời chỉ sau nhiếp ảnh thế giới đúng tròn 30 năm. Trước đó, năm 1839, ba nhà phát minh Niepce, Daguerre (Pháp) và Talbot (Anh) đã cho ra đời bộ môn nhiếp ảnh. Đặng Huy Trứ mở ra một cơ hội lớn để người Việt Nam có thể lưu giữ ký ức của chính mình, của gia đình, dòng họ và quan trọng hơn nữa là lịch sử xã hội bằng hình ảnh. Các nhà nghiên cứu đánh giá: Đặng Huy Trứ đã mang đến một thứ “chữ viết” mới – một thứ ngôn ngữ hình ảnh - để cộng đồng có thể sử dụng.
Tiến sĩ Đặng Huy Trứ sinh tại làng Thanh Lương, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, kinh đô Huế. Là một quan chức lớn triều Nguyễn, có tư tưởng canh tân, vì thế năm 1865 khi đi sứ Trung Quốc, tới Hương Cảng (Hồng Kông) quan Bố chính họ Đặng đã được tận mắt chứng kiến kỹ thuật nhiếp ảnh do người Anh đưa sang. Nhiếp ảnh thịnh hành và được nhiều người ưa chuộng. Trong khi đó, ở Việt Nam, công nghệ phổ biến nhất khi đó vẫn là vẽ truyền thần.
Theo tư liệu của NSNA Đặng Mậu Hiệp, lần đầu tiên được tiếp xúc với kỹ thuật nhiếp ảnh, Đặng Huy Trứ đã chụp hai bức chân dung mang về nước: một bức mặc triều phục, một bức mặc như thương nhân Trung Quốc. Đồng thời, ông cũng thử vẽ hai bức chân dung nói trên để so sánh. Có lẽ, ý định học nghề ảnh và mở hiệu ảnh ở Hà Nội cũng được hình thành ngay trong chuyến đi ấy. Để rồi 2 năm sau, Đặng Huy Trứ lại được cử sang Trung Quốc. Trong chuyến công cán Quảng Đông lần đó (1867), ông thuê một người Trung Quốc tên là Dương Khải Trí mua sắm giúp các dụng cụ máy móc về nhiếp ảnh và ông học cách chụp ảnh để về nước mở hiệu ảnh.
Trở về Việt Nam, Đặng Huy Trứ lập hiệu chụp ảnh lấy tên là Cảm Hiếu Đường ở phố Thanh Hà, Hà Nội. Hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường khai trương vào ngày 2 tháng 2 năm Kỷ Tỵ, tức ngày ngày 14.3.1869.
Theo các tư liệu do gia đình còn lưu giữ cho biết, Đặng Huy Trứ đã làm hai câu đối “quảng cáo” treo trước cửa hiệu Cảm Hiếu Đường nêu rõ mục đích của việc chụp ảnh:
Câu đối 1: Nhân yên trù mật Thanh Hà phố; Thiện niệm du hưng Cảm Hiếu Đường (nhà thơ Khương Hữu Dụng dịch: Thanh Hà phố ấy dân trù mật; Cảm Hiếu Đường đây khách nhiệt nồng).
Câu đối 2: Hiếu dĩ sự thân nhân sở cộng; Ảnh giai tiêu tượng thế tương truyền. (nhà thơ Khương Hữu Dụng dịch: Hiếu thờ cha mẹ người người muốn; Ảnh giống như người mãi mãi truyền).
Để “quảng cáo” cho hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường, chủ nhân họ Đặng còn viết bản kính cáo với câu mở đầu như một “tuyên ngôn”: “Xưa nay không ai tái sinh được xương thịt, tuy ứng theo lòng, chụp ảnh tái hiện được tinh thần… Nay muốn sớm tối vui như trẻ được mặc áo hoa, ngoài nghìn dặm mà dường như dưới gối, luôn luôn thấy mặt, trăm năm sau mà vẫn in như trước mắt, khiến mọi người đều tỏ được tấm lòng thành hiếu thì chỉ có cách chụp ảnh là hay nhất”…
Đến Cục trưởng Cục Điện ảnh đầu tiên (1958)
Dường như có một sự trùng hợp, trên chiến khu Việt Bắc, ngày 15.3.1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đặt bút ký Sắc lệnh số 147-SL khai sinh ngành Nhiếp ảnh và Điện ảnh Cách mạng Việt Nam với tên gọi: Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam dâng hương tưởng niệm danh nhân Đặng Huy Trứ tại Huế (15.3.2021) |
Huỳnh Văn Truyền |
Lúc sinh thời, cụ Phạm Tuấn Khánh hậu duệ danh nhân Đặng Huy Trứ có kể cho con trai là Đặng Mậu Hiệp nghe câu chuyện mình được Hồ Chủ tịch chọn làm Cục trưởng Cục Điện ảnh đầu tiên như thế nào: Năm 1958, Chính phủ quyết định thành lập Cục Điện ảnh riêng, tách ra khỏi Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho mời ông Phạm Tuấn Khánh khi đó đang là Ủy viên Đảng đoàn Bộ Văn hóa lên làm việc. Hồ Chủ tịch cho biết ý định của Chính phủ thành lập Cục Điện ảnh và dự kiến sẽ cử ông Khánh làm Cục trưởng. Ông Khánh vốn quen với công tác vận động trí thức, giờ làm người đứng đầu ngành điện ảnh ông có phần lo ngại. Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên ông: “Cụ Đặng Huy Trứ chính là người khai sinh ngành Nhiếp ảnh, mở hiệu Cảm Hiếu Đường…”. Nghe đến đây, ông Phạm Tuấn Khánh hiểu rằng Hồ Chủ tịch đã tìm hiểu và biết rất rõ về gia đình ông. Một điều đặc biệt nữa, Sắc lệnh số 147-SL khai sinh ngành Nhiếp ảnh và Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được ký sau ngày kỷ niệm khai trương Cảm Hiếu Đường chỉ 1 ngày.
Trước những kỷ vật của danh nhân Đặng Huy Trứ cùng nhiều tài liệu về trước tác của cụ được ông Đặng Mậu Hiệp gìn giữ, chúng tôi bồi hồi khi đọc mấy dòng mở đầu tập tư liệu mang tên Tìm hiểu Đặng Huy Trứ nhà yêu nước canh tân thế kỷ thứ 19 do hậu duệ Phạm Tuấn Khánh viết (1987): “Sau khi ông từ trần, trong hơn 100 năm, tên tuổi ông hầu như bị rơi vào quên lãng”. Có lẽ, đến nay ở Thủ đô Hà Nội những người có trách nhiệm về văn hóa cũng bỏ quên một danh nhân mà nhà chí sĩ Phan Bội Châu coi là một trong những người trồng mầm khai hóa đầu tiên ở Việt Nam. Trước đó, Thần Siêu (danh nhân Nguyễn Văn Siêu) người dựng đài nghiên tháp bút bên hồ Hoàn Kiếm coi Đặng Huy Trứ là “bạn băng tuyết”, còn Tùng Thiện Vương Miên Thẩm gọi Đặng Huy Trứ là “hương thơm đáng nhớ vô hạn”.
Bình luận (0)