Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc đang tích cực triển khai một loạt biện pháp khẩn cấp nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước sự tấn công dai dẳng của màn sương mù dày đặc, hiện đã bao phủ gần 1/9 diện tích lãnh thổ của nước này và dự đoán sẽ kéo dài đến ngày 21.12.
|
Báo động đỏ
Theo Tân Hoa xã, ít nhất 23 thành phố tại quốc gia đông dân nhất thế giới đã duy trì báo động đỏ đối với chất lượng không khí kể từ ngày 16.12 và các nhà dự báo khí tượng phải thừa nhận rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến. Để kích hoạt mức báo động này, chất lượng không khí tại một thành phố của Trung Quốc phải suy giảm mạnh, với sương mù độc hại bám trụ hơn 72 giờ. Đây cũng là mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo gồm 4 bậc do Bắc Kinh quy định.
Đến sáng 19.12, tức ngày thứ tư liên tiếp của lệnh báo động đỏ, chất lượng không khí tại Bắc Kinh đã cải thiện, với hàm lượng PM 2,5 lơ lửng ở khoảng 200, theo dữ liệu do Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc cung cấp. Trong đó, PM 2,5 là các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm (micrômét), có thể hủy hoại mô phổi nếu hít vào. Tuy nhiên con số 200 này vẫn cao gấp 8 lần so với hàm lượng do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quy định.
Ở thành phố Thạch Gia Trang của tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh khoảng 320 km về phía nam, hàm lượng PM 2,5 đã lên đến mức 701 vào trưa 19.12, hàm lượng hạt bụi PM 10 (10 micrômét) thậm chí còn cao hơn. Còn tại thành phố cảng Thiên Tân, nơi chỉ số PM 2,5 vượt ngưỡng 400 vào rạng sáng 19.12, hơn 180 chuyến bay bị hủy và khoảng 60 chuyến bị hoãn kể từ khi lệnh báo động được áp dụng, theo Đài CCTV.
Bên cạnh đó, các tuyến đường cao tốc của thành phố này cũng bị phong tỏa vì tầm nhìn bị giới hạn nghiêm trọng. Một số bệnh viện lớn tại Thiên Tân chứng kiến số lượng bệnh nhân nhập viện tăng mạnh do các vấn đề về hô hấp, theo tờ Nhân Dân nhật báo.
Ứng phó khẩn cấp
Trong tình trạng hít thở ngập ngụa toàn khí độc, một số thành phố phía bắc Trung Quốc đã giới hạn xe cộ trên đường và tạm thời đóng cửa nhiều nhà máy vào ngày 19.12 với hy vọng cải thiện chất lượng không khí.
Theo AP, hơn 700 công ty tại Bắc Kinh đã nhận được lệnh tạm ngưng sản xuất, trong khi cảnh sát giao thông kiểm soát chặt chẽ hoạt động lưu thông trên đường phố, giới hạn xe cộ dựa trên biển số xe. Hàng chục thành phố khác cũng áp dụng biện pháp tương tự. Chẳng hạn tỉnh Hà Bắc yêu cầu các nhà máy sản xuất than đá và xi măng tạm thời đóng cửa hoặc ít nhất giảm công suất. Các bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng nhiều đội bác sĩ thay ca để kịp thời xử lý số lượng ca nhập viện tăng mạnh, do những căn bệnh liên quan đến đường hô hấp vì ô nhiễm không khí, như trường hợp của Thiên Tân.
Đa số sương mù xuất hiện ở Trung Quốc hiện nay đều là hậu quả của hoạt động đốt than đá để đổi lấy điện năng và sưởi ấm, vốn đặc biệt tăng mạnh vào mùa đông. “Nếu quay ngược thời gian vào ngày đầu tiên sương mù độc phủ xuống, bạn có thể thấy làn sương ở Bắc Kinh di chuyển chậm chạp từ phía nam đến khu vực đô thị của thủ đô Trung Quốc và kế đến lan tỏa khắp miền bắc”, theo AP dẫn lời ông Đổng Lân Trại thuộc Tổ chức Hòa bình xanh. Ông Đổng cho biết nguyên nhân chính tạo nên sương mù độc bắt nguồn từ các ống khói của những nhà máy ở khu vực lân cận.
Chất lượng không khí giảm sút cũng khiến người dân nước này bất mãn vì cho rằng chính phủ đã quá chú trọng đến phát triển kinh tế mà không lường trước hậu quả đối với môi trường.
Bình luận (0)