Sau khi nghe hai cơ quan tố tụng trên báo cáo kết quả công tác kiểm sát, xét xử 6 tháng đầu năm (từ ngày 1.12.2016 - 31.5.2017), các thành viên đoàn giám sát tập trung chất vấn tình trạng án trả hồ sơ bổ sung nhiều lần và án kéo dài gần chục năm chưa xử; đồng thời yêu cầu viện kiểm sát, tòa án trả lời rõ. Thành viên Ban Pháp chế Phạm Hữu Nghĩa đưa ra một số vụ cụ thể như vụ án hình sự Đỗ Thị Luận phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra từ năm 2010; đặc biệt hồ sơ một vụ án dân sự khác từ năm 1994, qua một lần giám đốc thẩm nhưng đến nay chưa xử xong trong khi nguyên đơn, bị đơn đều đã qua đời, chuyển qua cho những người kế thừa để tiếp tục tham gia vụ án. Phó viện trưởng Viện KSND TP Đoàn Tạ Cửu Long cho hay án trả hồ sơ điều tra bổ sung có nguyên nhân lớn nhất vẫn do mâu thuẫn đường lối giải quyết vụ án giữa các cơ quan tố tụng.
Về công tác kiểm sát án dân sự quá hạn, theo Phó viện trưởng Viện KSND TP Huỳnh Thị Hoan, trong 6 tháng qua, viện kiểm sát có 9/30 kiến nghị về việc tòa chậm giải quyết án, song thực trạng này vẫn chưa thể khắc phục triệt để vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan: lỗi của thẩm phán, chờ kết luận giám định, chờ trả lời của cơ quan chức năng… Phó ban Pháp chế Lê Minh Đức phản ánh vụ án “tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp và yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại” do Tòa kinh tế TAND TP thụ lý gần 9 năm nay nhưng chưa đưa ra xét xử. Trao đổi lại, lãnh đạo tòa án cho hay vụ án đã được lên lịch xét xử vào ngày 9.6.
TP.HCM có số lượng tin báo tố giác tội phạm lớn nhất cả nước, nên việc kiểm sát quá trình giải quyết tin báo tố giác tội phạm như thế nào cũng được đoàn giám sát quan tâm. Ông Phạm Hữu Nghĩa nêu, vừa qua đoàn có giám sát Chi cục Quản lý thị trường TP và Đội quản lý thị trường quận/huyện, qua đó có những vụ việc quản lý thị trường báo cáo xét theo dấu hiệu của bộ luật Hình sự thì một số vụ việc vi phạm quản lý thị trường phát hiện có thể bị khởi tố về tội danh buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhưng khi chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra giải quyết thì lại không được khởi tố. “Thực tế mà đoàn giám sát nắm được thì cơ quan điều tra không khởi tố một vụ án nào liên quan”, ông Nghĩa đặt vấn đề. Trả lời chất vấn, Phó viện trưởng Viện KSND TP.HCM Nguyễn Nhật Nam cho biết hiện có 10 cơ quan giải quyết tin báo tố giác tội phạm, nhưng về thẩm quyền thì viện kiểm sát không thể kiểm sát toàn bộ 10 cơ quan trên. Theo ông Nam, qua thực tiễn công tác này cho thấy cần phải có một cơ quan đầu mối để quản lý. “Do không có cơ chế phối hợp giữa quản lý thị trường với viện kiểm sát nên viện kiểm sát không nắm được thông tin ban đầu. Khi cơ quan điều tra chuyển hồ sơ qua viện kiểm sát thì đã muộn”, ông Nam chia sẻ.
Ông Nam cũng nêu hiện Viện KSND TP đang được giao xây dựng dự thảo “Quy chế phối hợp liên ngành trong việc cung cấp trao đổi thông tin tiếp nhận giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố”. Theo dự thảo này thì viện kiểm sát sẽ được giao làm đầu mối trung tâm để theo dõi giải quyết tin báo tố giác tội phạm, tránh lọt tội, oan sai.
Bình luận (0)