Không muốn nhận tin rác, phải đăng ký?

14/08/2019 07:46 GMT+7

Đó là quy định trong dự thảo Nghị định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và quy định về quảng cáo qua gửi tin nhắn, thư điện tử và gọi điện đang lấy ý kiến.

Đây là lần đầu tiên một văn bản pháp luật có đề cập đến cuộc gọi rác cũng như bổ sung các quy định về tin nhắn rác so với trước, nhưng lại yêu cầu người dùng phải đăng ký từ chối nếu không muốn nhận dịch vụ.

Tin nhắn rác là mặc nhiên?

Tại điều 10 của dự thảo nghị định, cơ quan soạn thảo nêu rõ mọi tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký không chấp nhận mọi tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo thông qua cú pháp tin nhắn gửi về đầu số 456. Và mọi tổ chức, cá nhân không được phép gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện quảng cáo tới danh sách số điện thoại không chấp nhận mọi tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo.
Tin nhắn, cuộc gọi rác bủa vây người dùng Ảnh: Ngọc Dương - Khả Hòa

Tin nhắn, cuộc gọi rác bủa vây người dùng

Ảnh: Ngọc Dương - Khả Hòa

Hiện đầu số 456 được kết nối với tất cả mạng di động và giao cho Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính VN (VNCERT) quản lý, vận hành. Bên cạnh đó, các đơn vị quảng cáo chỉ được phép gửi tin nhắn, gọi điện thoại khi người dùng đồng ý một cách rõ ràng, cụ thể qua một trong các cách như: gửi tin nhắn, thư điện tử, tổng đài, phần mềm hỗ trợ đăng ký. Dự thảo cũng đề xuất nhà cung cấp dịch vụ phải nêu giải pháp cho phép người nhận từ chối nhận các thông tin...
Nếu không đưa ra giải pháp xử phạt, đặc biệt với các đơn vị tham gia quảng cáo và phát tán quảng cáo thì sẽ không mang lại hiệu quả như mục tiêu đưa ra
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, cho rằng quy định trên là đánh lừa và không công bằng với người dùng. Vì điều này đồng nghĩa nếu khách hàng không đăng ký từ chối thì mặc nhiên hằng ngày vẫn bị tin nhắn, cuộc gọi rác tra tấn liên tục. Chưa kể nếu đã đăng ký không nhận tin quảng cáo, nhưng vẫn nhận thì khiếu kiện ở đâu, ai sẽ xử lý, bồi thường thế nào... thì không được đề cập đến.
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet VN, cũng cho rằng phải tiếp cận theo hướng khi nào khách hàng đồng ý thì các đơn vị mới được phép gửi thông tin quảng cáo. Không thể yêu cầu người dùng đăng ký từ chối vì sẽ lặp lại tình trạng như hiện nay là đương nhiên bị nhận tin nhắn rác, cuộc gọi rác theo kiểu thụ động. Ngoài ra, một số nội dung khác cần phải làm rõ hơn. Như thế nào là nội dung quảng cáo? Hay các công ty cung cấp dịch vụ bên ngoài VN hay sử dụng các địa chỉ email từ các máy chủ đặt ở nước ngoài thì quản lý được không? Làm thế nào có thể xác định được người dùng đã đồng ý hay không đồng ý... Hơn nữa, nếu đưa ra quy định với mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng thì phải đề cập đầy đủ đến các phương tiện khác bên cạnh tin nhắn, gọi điện thoại hay email. Chẳng hạn như quảng cáo qua mạng xã hội cũng đang tràn lan, trong đó bao gồm cả những nội dung lừa đảo, tống tiền thì liệu có bị xử lý.

Ăn chia lợi nhuận, nhà mạng mặc kệ người dùng

Thực tế, tin nhắn rác, cuộc gọi rác vẫn đang khủng bố người dùng mọi nơi, mọi lúc. Đang bắt đứa con trai 5 tuổi ngủ trưa, điện thoại chị Thư Nhàn (ngụ Q.1, TP.HCM) đổ chuông. Bực mình vì cuộc gọi không đúng lúc khiến con bé dỗ mãi mới thiu thiu ngủ, chị Nhàn vẫn lịch sự bắt máy thì đầu dây bên kia nói: “Bên em bán mấy lô đất quận 12...”. Hết chịu nổi, chị Nhàn tắt máy và chuyển điện thoại qua chế độ im lặng. Đây chỉ là một trong vô số cuộc điện thoại quấy nhiễu chị Nhàn trong thời gian qua. Đáng nói, có những cuộc điện thoại làm chị “đau tim” khi đầu dây kia hỏi “Chị có phải phụ huynh của bé C.Y không?”. Tưởng con ở trường gặp vấn đề gì thì chị lại được giới thiệu là quảng bá từ trung tâm ngoại ngữ.
Trong khi đó, chị Hà Khanh (ngụ Q.4, TP.HCM) phản ánh số điện thoại của chị mỗi ngày ít nhất nhận 2 - 3 tin, có ngày nhận cả chục tin nhắn quảng cáo, chủ yếu từ nhà mạng như đầu số 9188, 1525, 1544, 906... Người dùng từ các nhà mạng MobiFone, Viettel, Vietnamobile đều gặp tình trạng tương tự và đối tượng “dội bom” nhiều nhất chính là nhà mạng qua các đầu số dịch vụ như Viettel-DV, Viettel-QC, Viettel-KM, Chuyentien, ViettelPay, MobiFoneHCM, 090, 999...
Đáng lưu ý, trong khi người dùng đều cho rằng các tin nhắn không xuất phát từ bạn bè, người thân đều là tin quảng cáo, tin rác thì các nhà mạng lại cho rằng tin quảng cáo bằng tên công ty (SMS brandname) có đăng ký với nhà mạng thì không gọi là tin nhắn rác. Thế nên lượng tin nhắn này hằng ngày vẫn ngang nhiên phát tán đến hàng triệu người dùng trên cả nước.

Vì sao tin nhắn rác, cuộc gọi rác không thể dẹp?

Đó chính là vì quyền lợi gắn liền với số lượng tin nhắn, cuộc gọi được sử dụng hằng ngày nên các nhà mạng chưa hề quyết liệt trong việc ngăn chặn. Theo một dịch vụ cung cấp quảng cáo, doanh nghiệp có nhu cầu đăng quảng cáo trả chi phí khởi tạo cho dịch vụ này là 150.000 đồng, chi phí duy trì hằng tháng 50.000 đồng.
Riêng cước tin nhắn tùy theo số lượng từ dưới 100.000 đến trên 300.000 tin nhắn mỗi tháng sẽ có cước phí từ 291 - 436 đồng/tin tùy nhà mạng (chưa tính thuế giá trị gia tăng). Ngoài ra, các tin nhắn từ đầu số dịch vụ có mức phí 1.000 - 20.000 đồng/tin. Dù không tiết lộ doanh thu từ các dịch vụ giá trị gia tăng như SMS brandname là bao nhiêu nhưng doanh thu của các đơn vị viễn thông luôn gia tăng. Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu viễn thông cả nước 6 tháng đầu năm nay đạt 184.300 tỉ đồng, tăng 7,13% so cùng kỳ năm trước.

Không phạt nặng, khó triệt tin rác

Cách đây 2 năm, các nhà mạng đã cùng bắt tay cam kết ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác nhưng số lượng chỉ giảm nhỏ giọt. Thống kê của Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết 6 tháng đầu năm nay, các đơn vị chức năng của Bộ đã ghi nhận được 21.888 lượt phản ánh tin nhắn rác, giảm 48,7% so với cùng kỳ năm trước. Tin nhắn rác từ các nhà mạng đều giảm nhưng riêng Vietnamobile có lượt phản ánh tin nhắn rác tăng mạnh 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Hầu hết người dùng đều bức xúc khi nhận được tin nhắn rác, đặc biệt là cuộc gọi rác vì quấy nhiễu bất kể lúc nào. Bởi đa phần cuộc gọi đều xuất phát từ các số di động 10 số của các nhà mạng chứ không phải là SIM “rác” nên cũng không thể biết được quen hay lạ để từ chối ngay. Nhiều khách hàng cũng cố gắng đưa số quảng cáo vào danh sách chặn cuộc gọi nhưng cũng không hết vì chặn số này thì lại xuất hiện số khác. Đáng nói là sau khi những cuộc gọi trực tiếp bị khách hàng phản ứng gay gắt thì đã xuất hiện rầm rộ các cuộc gọi tự động với nội dung được cài đặt sẵn.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia VN, nhận định hiện nay việc có nhiều dịch vụ được cung cấp qua mạng, mua hàng online… thì mỗi ngày có thể xuất hiện nhiều tin nhắn thông báo, nhiều cuộc gọi từ những người giao hàng khác nhau. Nếu đăng ký từ chối quảng cáo, liệu có thể bị chặn hết mọi cuộc gọi từ những dịch vụ mà người dùng cần hay không? Hơn nữa, hiện nay Nghị định 90/2008 về chống thư rác được ban hành từ năm 2008 vẫn có hiệu lực quy định rõ về khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) cũng quy định riêng về các tội phạm liên quan trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, mạng internet. VN đã có luật An ninh mạng có hiệu lực từ đầu năm nay cũng đưa ra nhiều vấn đề trên mạng internet...
“Nếu không đưa ra giải pháp xử phạt, đặc biệt với các đơn vị tham gia quảng cáo và phát tán quảng cáo thì sẽ không mang lại hiệu quả như mục tiêu đưa ra”, luật sư Hậu nhấn mạnh.
Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, các quy định phải có nội dung rõ ràng, chi tiết và quan trọng nhất là phải bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Phải nêu rõ chỉ khi nào khách hàng có nhu cầu thì họ sẽ chủ động đăng ký. Người dùng không đăng ký mà vẫn bị tin nhắn, điện thoại quảng cáo có quyền khiếu kiện. Quy trình khiếu kiện, đơn vị tiếp nhận xử lý cũng như bồi thường thiệt hại… cho các hành vi này cũng cần được đưa ra chi tiết. Từ đó mới hy vọng vấn nạn tin nhắn, cuộc gọi rác mới dần dần giảm so với hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.