Ghi nhận tại điểm thi Trường THCS Bàn Cờ (Q.3, TP.HCM), nhiều thí sinh bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng phấn khởi dù "trật tủ" tác phẩm Vợ nhặt trong đề thi văn, phần lớn vì các em có cơ hội "gỡ gạc" bằng câu hỏi nghị luận xã hội đầy ý nghĩa, có nhiều dư địa để bày tỏ cảm xúc, quan điểm.
Theo đó, đề thi văn năm nay yêu cầu thí sinh viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống, lấy ngữ liệu từ bài thơ Đi qua cơn giông của tác giả Anh Ngọc. Đây là tác phẩm nằm trong tuyển tập "30 năm Thơ", tuyển tập tác phẩm văn học in trên Báo Nhân Dân cuối tuần từ năm 1989-2019.
Thi tốt nghiệp THPT 2023- Thí sinh 'đứng hình' nhìn Tràng và Thị, Kaito Kid hết thời?
Sau khi đọc đề thi văn, Lê Nguyễn Khương Duy, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết câu hỏi nghị luận xã hội đã được đổi mới, tập trung vào tâm lý, cảm xúc của người học thay vì yêu cầu phải phân tích tư tưởng, đạo lý như thường thấy trong đề thi tốt nghiệp THPT các năm trước.
"Bên cạnh bày tỏ quan điểm của bản thân, em còn mở rộng bài làm bằng cách liên hệ câu chuyện cân bằng cảm xúc với các vấn đề tâm lý giới trẻ chúng em dễ mắc phải như trầm cảm, bạo lực mạng, bạo lực ngôn từ... Cụ thể, em tin rằng việc cân bằng cảm xúc là điều đầu tiên cần làm để bước đầu giải quyết những vấn đề trên", nam sinh nói.
Chung quan điểm, Bùi Trần Hải Đăng, học cùng trường, cho rằng đề nghị luận xã hội đã có cái nhìn sâu sắc hơn về những "cơn bệnh cảm xúc" cũng như giải pháp chữa lành phù hợp. "Chúng em đang phải đối mặt với các vấn đề như khủng hoảng tâm lý hay bùng nổ cảm xúc, vì vậy việc cân bằng là rất cần thiết và có ý nghĩa với giới trẻ", Đăng chia sẻ.
Cũng nói về vấn đề tâm lý của giới trẻ, nữ sinh Anh Thư chọn khai thác thêm cách để cân bằng và quản lý cảm xúc theo em là hiệu quả. Nêu trong bài làm, Thư cho rằng các bạn trước hết cần tránh bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc tiêu cực và nên sở hữu tinh thần luôn lạc quan, vui vẻ trong cuộc sống.
"Tuy nhiên, các bạn đôi lúc sẽ có cảm giác chơi vơi, vô định, buồn bã. Trong những trường hợp này, em tin chúng ta cứ thoải mái 'xả' mọi cảm xúc tiêu cực chứ không nên giấu diếm trong lòng", nữ sinh bộc bạch.
Khác với các bạn đồng trang lứa, Lâm Vĩnh Hồng, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, thì dẫn chứng việc mất cân bằng cảm xúc đã dẫn đến vụ đánh ghen đập vỡ kính ô tô ở Hà Nội gây xôn xao mạng xã hội vừa qua, thay vì nêu mối quan hệ giữa vấn đề này với giới trẻ hiện nay.
"Người phụ nữ vì ghen tuông mà bỏ qua an nguy của những người xung quanh, của người trong xe và cả chính mình. Đặc biệt, hành vi này còn có thể dẫn đến án phạt tù. Như vậy, việc cân bằng cảm xúc là rất quan trọng và nếu chúng ta mất kiểm soát ở vấn đề này, hậu quả sẽ vô cùng khó lường về thể chất, tâm lý lẫn pháp lý", Hồng cho hay.
Nhận xét về đề thi văn, cô Mai Thu Thủy, giáo viên ngữ văn Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, nói rằng trong những năm gần đây, đề nghị luận xã hội hay hỏi về những vấn đề liên quan đến sứ mệnh, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với đất nước, hoặc ý nghĩa của sự cống hiến, sự hy sinh thầm lặng, nghĩa là yêu cầu người trẻ đặt mình trong mối quan hệ với xã hội.
Tuy nhiên, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay lại yêu cầu bàn về sự cần thiết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống, yêu cầu học sinh có góc nhìn về chính những cảm xúc, mong muốn của bản thân cũng như phải biết cách cân bằng nó, cô Thủy nhìn nhận.
"Câu hỏi này ít nhiều gắn liền với cuộc sống hiện nay, khi người trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh, đang phải chịu vô số áp lực từ nhiều phía. Vì thế, việc các bạn phải biết ý nghĩa và cách để cân bằng cảm xúc là vô cùng cần thiết", nữ giáo viên cho hay.
Cũng theo cô Thủy, người trẻ cần phải tự hoàn thiện bản thân trước, cân bằng tốt cảm xúc của chính mình thì lúc đó các bạn mới có thể nghĩ đến việc chăm lo cho người khác, hay rộng hơn là cống hiến cho xã hội.
Bình luận (0)