Không sửa nghị quyết chỉ vì Bộ GD-ĐT không tuyển đủ tác giả soạn sách giáo khoa

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
16/05/2020 19:29 GMT+7

Thường vụ Quốc hội cho rằng, Nghị quyết 88 có nội dung Bộ GD-ĐT biên soạn sách giáo khoa là không sai, do vậy, sẽ không đặt vấn đề sửa nghị quyết mà sẽ báo cáo Quốc hội, tiếp tục xã hội hoá việc này.

Nghị quyết không sai nên không cần sửa

Chiều nay, 16.5, tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ GD-ĐT báo cáo không tuyển được đủ tác giả biên soạn bộ sách giáo khoa của Bộ sau 2 lần tổ chức đấu thầu tuyển chọn.
Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề xuất sửa Nghị quyết 88 của Quốc hội theo hướng bỏ quy định “Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa" bằng hình thức đưa vào nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14 tới.

Phát biểu tại phiên họp, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đồng ý với kiến nghị của Bộ GD-ĐT và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và lý giải: Bộ GD-ĐT đã làm đúng quy trình trong việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, nhưng bản chất là mời thầu không được.

Theo ông Đam, mục đích của Nghị quyết 88 khi yêu cầu Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa  là để có ít nhất một bộ sách đảm bảo chất lượng (chuyên môn, chính trị, giá cả) nên Bộ và Chính phủ đã cố gắng hết sức làm, đến lúc không được thì báo cáo lại. 

 “Về bản chất thực tiễn mấy năm vừa rồi cho thấy, chúng ta không cần dùng ngân sách nhà nước để biên soạn sách giáo khoa. Nhưng tôi cũng đồng ý là cần đề phòng trường hợp bất khả kháng khi xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa không thuận lợi như hiện nay. Lúc đó, Quốc hội quyết định giao cho Thủ tướng để chỉ đạo”, ông Đam nói.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của uỷ viên Thường vụ Quốc hội dù đánh giá cao và ủng hộ việc xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa nhưng cho rằng việc sửa Nghị quyết 88 là không cần thiết. Tổng Thư ký của Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, Nghị quyết 88 của Quốc hội hoàn toàn không có gì sai khi yêu cầu Bộ GD-ĐT phải tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa đầy đủ để chủ động thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Do vậy, không nên đặt vấn đề sửa Nghị quyết khi trình Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Chính phủ nên trình bày báo cáo đẩy đủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 88 ra kỳ họp Quốc hội tới chứ không đề nghị sửa nghị quyết vì nghị quyết không sai. “Bất cứ quốc gia nào cũng có bộ sách giáo khoa do nhà nước tổ chức biên soạn rồi trên nền tảng đó mới xã hội hoá. Chứ còn bây giờ chúng ta cho xã hội hoá trước, thấy nó hay quá rồi chúng ta mới bảo thôi, nhà nước chỉ làm vai trò thẩm định thôi. Nếu chúng ta có bộ sách giáo khoa của nhà nước thì sẽ rất hay, chuẩn chỉnh nhất”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục báo cáo ra kỳ họp Quốc hội sắp tới nội dung này để Quốc hội quyết định. Nếu thấy không cần nhà nước phải làm bộ sách giáo khoa nữa hay vẫn cần phải có bộ sách giáo khoa của nhà nước để chủ động. “Còn tiền vay của Ngân hàng thế giới chưa sử dụng thì cũng cần chuẩn bị để trả lời rõ nếu có đại biểu nào chất vấn”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Giá sách giáo khoa có phải mặt hàng bình ổn không?

Đánh giá cao việc thực hiện xã hội hoá trong biên soạn sách giáo khoa về lâu dài có lợi cho người dân, tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải băn khoăn hiện giá sách đắt hơn 2 - 3 lần so với giá sách do nhà nước biên soạn trước đây vì nhiều lý do như chất lượng in, cạnh tranh thị trường...
“Cần quan tâm lộ trình bình ổn giá sách giáo khoa, giá tương xứng chất lượng nhưng không nên quá cao, nếu không sẽ ảnh hưởng đến người dân vì gần như nhà nào cũng phải sử dụng”, bà Hải nêu ý kiến và đề nghị lưu ý đến vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, phải đảm bảo vai trò quản lý nhà nước, tránh hiện tượng sách dùng một lần gây lãng phí.
Đồng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, giá sách giáo khoa cần làm sao phải đảm bảo mặt bằng mức sống của người dân. Nhà nước cần tính lộ trình để có cơ chế hỗ trợ, nhất là đối tượng khó khăn.
Xung quanh vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm: trong khi chúng ta xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa, có nhiều bộ sách mà không cho tăng giá sách giáo khoa thì chúng ta có đưa mặt hàng này vào diện bình ổn giá hay nhà nước có chính sách bù đắp giá không?
“Còn nếu chúng ta ra một chủ trương là giá sách không được tăng, phải chịu lỗ thì người làm sách giáo khoa họ không làm. Đó là vấn đề Chính phủ cần phải suy nghĩ”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Không sửa Nghị quyết nhưng thực hiện có sự linh hoạt
Kết luận nội dung phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị: “Khi báo cáo Quốc hội, chúng ta không dùng từ sửa Nghị quyết 88 vì nghị quyết không sai, nhưng quá trình thực hiện thực tiễn có sự linh hoạt. Tới đây sẽ ghi rõ các nhiệm vụ để tiếp tục có những bộ sách giáo khoa đảm bảo chất lượng, đáp ứng chuẩn yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới”. 
Bà Tòng Thị Phóng đề nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT quan tâm đến học sinh vùng sâu vùng xa, đặc biệt có chính sách trợ giá, chính sách hỗ trợ, để đảm bảo học sinh vùng dân tộc, vùng núi có bộ sách giáo khoa tốt, in ấn đẹp, giá vừa phải, có hỗ trợ cho con em.
Với khoản 16 triệu USD vay Ngân hàng thế giới để Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn sách giáo khoa, hiện chưa dùng đến, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị khoản vay này giao Chính phủ quản lý và sử dụng hiệu quả, không trái mục đích. Nếu không sử dụng đến thì càng tốt, càng tiết kiệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.