Không thể chậm trễ hơn

13/03/2022 05:21 GMT+7

Từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, TP.HCM và các tỉnh, thành có đường vành đai 3 đi qua đã tiến hành rất nhiều thủ tục để đẩy nhanh việc xây dựng dự án này.

Nếu mọi việc đi đúng kế hoạch dự kiến, năm 2026 con đường, niềm mong mỏi của hơn 20 triệu dân này sẽ hoàn thành. Nhưng tính từ khi quy hoạch được duyệt tới đó, cũng mất 16 - 17 năm, quãng thời gian không hề ngắn với bất cứ dự án nào. Còn nếu nhìn ở bình diện một dự án trọng điểm quốc gia, một dự án được đánh giá quan trọng bậc nhất để kết nối và đánh thức Vùng kinh tế trọng điểm phía nam thì phải nói thẳng, đó là một sự chậm trễ gây lãng phí lớn với nền kinh tế đất nước.

Chúng ta đều biết, Vùng kinh tế trọng điểm phía nam đóng góp rất lớn trong GDP cả nước, giải quyết rất nhiều lao động, sở hữu nhiều cảng biển nơi hàng hóa VN xuất khẩu ra thế giới, cũng như chảy trong thị trường nội địa. Sự thiếu kết nối do đường vành đai 3 chậm trễ, do thiếu hạ tầng giao thông cơ sở không chỉ làm cho kinh tế của vùng khó đột phá mà còn ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng Việt, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư...

Những vấn đề này, được mổ xẻ rất kỹ ở rất nhiều các cuộc hội thảo khi nói về giao thông TP.HCM nói riêng và phía nam nói chung. Hy vọng lần này, nó sẽ trở thành một phần lịch sử, không tái hiện nữa. Bởi ở thời điểm hiện tại, đường vành đai 3 đang đứng trước cơ hội rất lớn trở thành hiện thực. Đầu tiên là sự ủng hộ tuyệt đối của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy hoàn thành tuyến đường. Năm 2022 là năm của phục hồi kinh tế mà trong đó, đầu tư công, đặc biệt là đầu tư cho giao thông được coi là giải pháp chủ lực để thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hay nói đơn giản là kích tổng cầu của nền kinh tế. Lãnh đạo chính quyền TP.HCM từ trên xuống dưới có thể nói, chưa bao giờ quyết tâm đến thế. Những thông tin về tiến độ hồ sơ, thủ tục hay các hoạt động liên quan đến thúc đẩy dự án được cập nhật liên tục. Đặc biệt vốn, nút thắt lớn nhất của dự án đường vành đai 3 nói riêng cũng như các công trình trọng điểm của TP nói chung đã có hướng giải quyết khả thi. Đó là khai thác quỹ đất hai bên dự án, bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách. Nhìn chung, mọi cái đang “chạy” đúng hướng, quyết liệt và khả thi.

Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn vướng mắc ở phía trước, cả về định lượng và định tính. Giải phóng mặt bằng chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng, gần như 100% các dự án chậm trễ tiến độ hiện tại đều ở khâu này. Xin cơ chế đặc thù chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ cũng cần những cán bộ dám quyết, dám làm. Không kém phần quan trọng là duy trì “sức nóng” trong quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo. Thực tế cho thấy, rất nhiều những quyết liệt, quyết tâm chỉ ở giai đoạn đầu rồi nguội dần... Đó cũng là một trong những lý do khiến không ít dự án ì ạch, trễ tiến độ, đội vốn.

TP.HCM quy hoạch 4 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài hơn 380 km, nhưng đến nay mới làm được hơn 90 km, chưa có tuyến đường nào hoàn thành. Khép kín đường vành đai để mở rộng không gian phát triển của kinh tế TP, kinh tế Vùng trọng điểm phía nam, đó chính là một trong những giải pháp quan trọng và hữu hiệu nhất để phục hồi và tăng trưởng kinh tế đất nước.

Vì vậy, không thể chậm trễ hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.