Vì sao xếp hàng mua xăng?

12/03/2022 06:12 GMT+7

Nhiều ý kiến tỏ ra không đồng tình với cảnh người dân ở các tỉnh thành trên cả nước xếp hàng giữa trời nắng, thậm chí từ sáng đến khuya mua xăng trước giờ tăng giá hôm qua 11.3. Nhưng họ liệu có đáng trách?

Phải khẳng định rằng, họ chẳng có lỗi gì cả. Họ có nhu cầu và trả tiền sòng phẳng. Quan sát cho thấy, trừ một vài trường hợp hiếm hoi mang can tới, còn hầu hết đều đổ thẳng vào bình xăng xe. Nghĩa là xe phải hết hoặc sắp hết xăng chứ không ai rảnh còn đầy bình xăng mà đến xếp hàng cho cực cái thân. Nhưng ngay cả trường hợp mua dự trữ, họ cũng chẳng có gì đáng trách vì pháp luật không cấm và đó là quyền hợp pháp của người dân. Điều cần suy ngẫm hơn sau những hình ảnh này là tại sao dòng người xếp hàng mua xăng ngày càng tăng? Nếu theo dõi thị trường xăng dầu thời gian gần đây, có thể xuất phát từ một số lý do sau.

Đầu tiên là do xăng dầu tăng giá quá cao, tăng liên tục và trong bối cảnh căng thẳng xung đột Nga - Ukraine, chưa biết đến lúc nào xu hướng tăng giá mới dừng lại. Xăng tăng thì rau cà mắm muối, dầu gội đầu, nước rửa chén... đều tăng và cứ thế gặm nhấm, bào mòn thu nhập của hàng triệu người lao động. Đừng nói tiết kiệm được 15.000 - 20.000 đồng đổ xăng khi xếp hàng như trên, với họ mớ rau, con cá rẻ hơn vài ngàn đồng cũng quý. Bởi mỗi thứ tăng một chút thì chất lượng mâm cơm mỗi ngày của rất nhiều hộ gia đình giảm xuống một chút. Thế nên bớt được đồng nào tốt đồng đó.

Thứ hai là tâm lý lo ngại thiếu xăng. Từ mấy tháng nay, tình trạng cây xăng hết hàng, không bán diễn ra khắp nơi. Xăng dầu càng tăng giá thì càng khó mua trong khi xe là phương tiện, là sinh kế không thể thiếu với hàng vạn, hàng triệu người. Vì vậy trước giờ giá xăng dự báo được lập đỉnh mới, người dân bằng mọi giá đi mua cũng là điều dễ hiểu. Lỗi này thuộc về cơ quan quản lý đã để tình trạng cây xăng găm hàng, bán theo định mức tái diễn quá nhiều lần, tạo thành tâm lý hoang mang cho người dân. Không thể vì thế mà trách ngược họ.

Mà nào chỉ có họ, những người xếp hàng mua xăng ngoài kia mới “tính toán” từng đồng? Đại dịch thế kỷ đã bước sang năm thứ 3, sức khỏe của doanh nghiệp, của nền kinh tế đều đã bị tác động nặng nề. Nếu còn có thể “tính toán” được thì trong số 33.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh có thời hạn và gần 9.000 đơn vị chờ làm thủ tục giải thể 2 tháng đầu năm vừa rồi, ai chẳng muốn “tính toán” để tồn tại? Hàng trăm tàu cá dọc biển miền Trung, nếu có thể chắt bóp chi phí, cân đối thu chi họ cũng chẳng chịu nằm bờ chịu lỗ. Bộ Tài chính nếu không vì áp lực ngân sách, đâu phải nâng lên đặt xuống giảm 1.000 đồng hay 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường đối với mỗi lít xăng? Cũng như mỗi chúng ta, dù có thể trong tủ còn tiền dự trữ, nhưng trước bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; chi phí sinh hoạt hằng ngày đội lên gấp đôi gấp ba trong khi cơ hội tăng thu nhập bó hẹp lại, ai chẳng cân nhắc chi tiêu hợp lý hơn để phòng bị?

Giá xăng lên sát mốc 30.000 đồng/lít, sinh viên “quay lưng” với xe máy

Chính quyền nhiều nước trên thế giới đã có giải pháp để giảm bớt gánh nặng cho người dân khi giá xăng dầu tăng như vũ bão. Tại VN, người dân cũng đang chờ các chính sách giảm thuế, phí cho xăng dầu; nâng ngưỡng thuế thu nhập cá nhân song song với kiểm soát giá hàng hóa tiêu dùng để tránh tình trạng tát giá theo xăng...

Bối cảnh đặc thù rất cần những chính sách đột phá để người dân, doanh nghiệp cảm nhận được sự chia sẻ của nhà nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.