Không thể đứng trên pháp luật

07/04/2022 05:05 GMT+7

Sau đúng 1 năm 'lên sóng livestream' với đủ cung bậc vung tay, múa miệng, nhảy, hát, khóc, cười, ngày 24.3.2022, bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Khu du lịch Đại Nam , Bình Dương) bị cơ quan chức năng khởi tố.

1. Sau đúng 1 năm (3.2021 - 3.2022) “lên sóng livestream” với đủ cung bậc vung tay, múa miệng, nhảy, hát, khóc, cười, ngày 24.3.2022, bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Khu du lịch Đại Nam, Bình Dương) bị cơ quan chức năng khởi tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331 bộ luật Hình sự.

Đó là hậu quả những hành động của bà Nguyễn Phương Hằng trong 1 năm, thông qua các tài khoản mạng xã hội phát ngôn trực tiếp, đưa nhiều thông tin chưa kiểm chứng, xúc phạm uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân; thậm chí còn sử dụng từ ngữ thiếu chuẩn mực, ngược với thuần phong mỹ tục, cổ súy văn hóa chửi trên không gian mạng.

Khám xét nhà bị can Nguyễn Phương Hằng

ĐÀO NGỌC THẠCH

Phản ứng với hành động của bà Hằng trên mạng xã hội, cộng đồng mạng chia làm 2 luồng suy nghĩ khác nhau. Một luồng cho rằng, bà Hằng bị cơ quan chức năng xử lý là tất yếu, vì vi phạm pháp luật. Luồng khác luôn ủng hộ, cổ súy, tuyên truyền, tung hô cho hành vi của bà Hằng và giờ đây khi bà Hằng bị cơ quan chức năng xử lý thì vẫn có người cố tình không hiểu pháp luật để ca tụng bà Hằng, mượn đó để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam.

2. Nhiều người hẳn cũng có cảm nhận: Ban đầu, hành vi của bà Hằng “lên sóng livestream”, xét ở phương diện nào đó đã ít nhiều có ý nghĩa cảnh báo để ngăn chặn hành động thiếu trung thực, không minh bạch trong việc huy động và chi nguồn từ thiện; cảnh báo hành vi lợi dụng lòng tin để trục lợi thông qua các hình thức quyên góp, từ thiện, chữa bệnh không có cơ sở khoa học. Nhưng rất nhanh sau đó, bà Hằng đã đi quá giới hạn cả về lời nói, đạo đức, văn hóa và giới hạn về pháp luật. Bà Hằng và những người ủng hộ đã nhầm lẫn, hoặc cố tình nhầm lẫn cách hiểu về “tự do ngôn luận” nên mới “quá đà”, bất chấp lời cảnh báo cũng như sự nhắc nhở, răn đe của cơ quan chức năng.

Mở rộng vụ án Nguyễn Phương Hằng: Phân loại, có dấu hiệu hình sự sẽ khởi tố

Tự do ngôn luận (freedom of speech) là nguyên tắc đảm bảo cho một cá nhân hay một cộng đồng quyền tự do nói ra rõ ràng quan điểm và ý kiến của mình mà không sợ bị trả thù, kiểm duyệt, hay trừng phạt pháp lý. Còn quyền “tự do biểu đạt” (freedom of expression) đã được công nhận là quyền con người trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (UDHR) và luật Nhân quyền quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Điều 25 Hiến pháp Việt Nam (năm 2013) quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Điều đó được hiểu là quyền được tự do có quan điểm và giữ vững quan điểm của mình, được tự do tìm kiếm và tiếp nhận, chia sẻ thông tin nhưng phải nằm trong giới hạn mà pháp luật quy định, phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, không phải tùy tiện, vu khống, bôi nhọ, lừa bịp, xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, quyền tự do của người khác.

Cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật. Điều 8 luật An ninh mạng năm 2018 quy định những hành vi bị nghiêm cấm như: xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội…

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội có hiệu lực từ ngày 17.6.2021 (do Bộ Thông tin - Truyền thông ban hành) cũng ghi nhận quy tắc ứng xử của tổ chức, cá nhân như không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép...

Mọi hành vi thực hiện “tự do ngôn luận” nhưng vi phạm điều cấm của pháp luật đều không được pháp luật bảo hộ và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Theo đó, bà Nguyễn Phương Hằng đã vi phạm pháp luật và đang bị cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật là tất yếu.

3. Mạng xã hội là sản phẩm của văn hóa, văn minh nhân loại, nên cư dân mạng tất yếu phải bảo đảm văn hóa mạng, không được hành động vi phạm luật An ninh mạng và luật pháp Việt Nam nói chung. Câu chuyện bà Nguyễn Phương Hằng là điển hình cho ứng xử trên không gian mạng: Hãy tôn trọng văn hóa mạng và biết tự do ngôn luận trong khuôn khổ pháp luật. Bởi bất kể người đó là ai, tiền bạc nhiều đến đâu, làm từ thiện nhiều mức nào, làm quản lý, lãnh đạo cao đến đâu cũng không thể đứng trên pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.