Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu như trên tại cuộc họp đặc biệt cấp ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc tại Bắc Kinh nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ chiến lược giữa đôi bên. “Chúng tôi không né tránh những vấn đề đang tồn tại. Hiện nay, tình hình biển Đông là ổn định, và nếu nhìn sang những nơi khác trên thế giới, chúng ta sẽ thực lòng trân quý điều đó”, AFP trích lời ông Vương nói. Ông còn bày tỏ hy vọng “khởi đầu một chương mới trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc”.
|
Không rõ ông Vương muốn nói “những nơi khác” là đâu, “ổn định” là thế nào và “chương mới” là gì khi Trung Quốc bất ngờ đề nghị Tổng thống Philippines Benigno Aquino III hủy chuyến đi dự kiến kéo dài nửa ngày đến thành phố Nam Ninh để dự Triển lãm ASEAN - Trung Quốc. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cũng từ chối gặp song phương người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) diễn ra tại Brunei ngày 28-29.8. Chưa hết, tờ Hoàn Cầu thời báo cũng lên giọng hằn học rằng ADMM+ “không phải là nơi để giải quyết các tranh chấp lãnh hải”.
ADMM+ gồm 10 nước ASEAN và 8 đối tác là Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Mỹ và Nga. Tại cuộc họp lần đầu ở Hà Nội vào tháng 10.2010, bộ trưởng quốc phòng 18 nước đã nhất trí hợp tác trên 5 lĩnh vực, trong đó có an ninh biển. Đây được xem là cấu trúc hợp tác an ninh đầy đủ và ở cấp cao nhất với mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, trong lúc hợp tác trên các lĩnh vực khác đạt nhiều tiến bộ, thì lĩnh vực an ninh biển chưa có tiến triển nhiều.
Mặt khác, trên biển Đông và biển Hoa Đông, các hành động có tính chất cậy mạnh, đe dọa vẫn liên tục diễn ra gây quan ngại không chỉ cho những quốc gia trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, vì thế, trong bài phát biểu tại ADMM+ sáng 29.8 đã cảnh báo: “Những hành động trên biển nhằm tạo ưu thế trong các tuyên bố chủ quyền chỉ làm tăng nguy cơ xung đột, đe dọa ổn định khu vực và phủ mờ các triển vọng ngoại giao”. Một quan chức quốc phòng Mỹ cho các phóng viên biết tại cuộc họp “tất cả các nước đều lo ngại việc theo đuổi tuyên bố chủ quyền vô lý một cách hung hăng có thể kích nổ xung đột”. Vì vậy, Bộ trưởng Hagel cũng nhấn mạnh nhu cầu sớm có một bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Singapore chiều 29.8 ra thông cáo cho biết trong lúc chờ đợi COC ra đời, các bộ trưởng ASEAN đã “đồng thuận bắt đầu các biện pháp thực tế để giảm căng thẳng” trên biển Đông, gồm thiết lập đường dây nóng và cam kết không sử dụng vũ lực trước.
Trở lại vấn đề COC, tại cuộc họp ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc ở Brunei hồi tháng 7, hai bên đã đồng ý chính thức thảo luận việc soạn thảo văn kiện này vào tháng 9.
Tuyên bố chung sau ADMM+ tái khẳng định tầm quan trọng chiến lược của ADMM+ và sự cần thiết phải hợp tác với nhau chặt chẽ hơn. Các bộ trưởng cho rằng quan hệ giữa các nước cần phải được định hướng bởi những nguyên tắc cơ bản đã được đề cập trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN, đặc biệt trong việc từ bỏ đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và thể hiện kiềm chế. Các bộ trưởng nhất trí thành lập nhóm chuyên gia công tác trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo nạn nhân bom mìn. Cũng trong ngày 29.8, tại Hội nghị đặc biệt cấp ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược song phương, các bộ trưởng đánh giá tích cực về sự phát triển toàn diện và những thành tựu quan trọng trong hợp tác về nhiều mặt và nhất trí cần đưa quan hệ đối tác chiến lược phát triển lên tầm cao mới và thiết thực, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển chung của khu vực. Nhận dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc tiếp xúc với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Hai bộ trưởng khẳng định việc phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị và bảo đảm thành công cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhân dịp dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN. TTXVN |
Ngày 29.8, AFP dẫn lời giới chức Đài Loan cho biết Lực lượng tuần duyên đảo này vừa trình lên nghị viện kế hoạch đầu tư 112,4 triệu USD xây một cầu cảng mới đủ sức tiếp nhận tàu chiến tại Ba Bình. Đây là đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Đài Bắc chiếm đóng phi pháp. Cầu cảng mới, dự kiến đi vào hoạt động năm 2016 sẽ thay thế cơ sở hiện nay, vốn chỉ có thể tiếp nhận tàu tuần duyên nhỏ. Theo AFP, kế hoạch phi pháp nói trên nhiều khả năng sẽ được thông qua và động thái này của Đài Loan rõ ràng xâm phạm chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với Trường Sa. Trọng Kha |
Thục Minh
(VP Singapore)
>> Hải quân 18 nước dự kiến tập trận chung tại biển Đông
>> ASEAN đồng thuận về biển Đông
>> ASEAN nhất trí về Bộ quy tắc ứng xử biển Đông
>> Trung Quốc bị cáo giác lập lữ đoàn tên lửa uy hiếp biển Đông
>> Trung Quốc đưa tàu chiến hiện đại tuần tra biển Đông?
>> Philippines sẽ tái bố trí quân lực gần biển Đông
>> Hơn 9.000 tàu cá Trung Quốc sắp tràn xuống biển Đông
Bình luận (0)