Chị Q. kể rằng, kẻ gian đã hack Facebook người chị họ đang sinh sống ở Mỹ rồi nhắn tin mượn tiền chị Q. Trước đó chị Q. từng qua Mỹ chơi, được người chị họ nhiệt tình thết đãi và sẵn sàng giúp đỡ khi cần. Đó là một trong những lý do khi thấy tài khoản Facebook chị họ nhắn mượn tiền, chị Q. nhanh chóng tương trợ. Đáng chú ý, trước lúc nhắn mượn tiền, Facebook người chị họ còn gọi video khiến chị Q. không mảy may nghi ngờ. Cuộc gọi kéo dài khoảng 9 giây. Nội dung là: “Xin chào, dạo này khỏe không? Hiện đang bận nên có gì nhắn tin trò chuyện” (đây là video chị Q. cho rằng kẻ gian đã cắt ghép).
Chị N.T.Q (42 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) đến công an trình báo việc bị lừa chuyển tiền qua mạng xã hội |
TRÁC RIN |
Chị Q. chia sẻ, việc chị chuyển tiền cho kẻ gian nên mất tài sản đã đành, nhưng khi chị gọi cho những mối quan hệ cá nhân nhờ tư vấn cách xử lý, chị đều nhận được chung một lời khuyên “lỡ dại thì thôi”. Chẳng ai mặn mà tư vấn cho chị trong việc trình báo công an vì nghĩ mạng xã hội là ảo, biết tìm ở đâu ra kẻ gian mà trình báo. Đó cũng là tâm lý khá phổ biến trong những vụ việc tương tự hiện nay.
Chị Q. không thực hiện như đa số lời khuyên. Bằng chứng là chị tìm đến Báo Thanh Niên để mong rằng thông qua phản ánh của báo, nhiều người sẽ cảnh giác hơn, không sập bẫy như chị. Và chị cũng xin nghỉ phép vài hôm, quyết tâm tìm đến cơ quan công an thụ lý về vụ việc. Ban đầu, do chưa hiểu hết quy trình và thẩm quyền, khi chị trình báo với Công an Q.Tân Bình, nơi chị đang sinh sống, các cán bộ công an đều nói vụ việc này đơn vị không tiếp nhận, phải đến công an địa phương nơi chị đăng ký mở tài khoản ngân hàng (ở Q.6) để trình báo. May mắn là CQĐT Công an Q.6 đã tiếp nhận, thụ lý. Điều này phần nào khiến chị khá nhẹ nhõm, dù không chắc sẽ lấy lại được tiền. “Nếu ai cũng ngại, không quyết tâm tố giác tội phạm, thì chẳng khác gì tiếp tay để kẻ xấu ngày càng lộng hành”, chị Q. nói với tôi vậy.
Bình luận