Đừng thấy lạ khi Thái Lan và Indonesia mạnh hơn đội tuyển Việt Nam
Phó chủ tịch (PCT) phụ trách chuyên môn của VFF Trần Anh Tú cho biết chỉ tiêu của đội tuyển Việt Nam vẫn được giữ nguyên, đó là lọt vào trận chung kết AFF Cup 2024, sau đó phấn đấu giành ngôi vô địch.
Về lý thuyết, đây là chỉ tiêu khó, bởi các đối thủ nguy hiểm nhất của chúng ta gồm Thái Lan và Indonesia phát triển không ngừng trong thời gian gần đây. Riêng Indonesia là đội bóng duy nhất của Đông Nam Á có mặt ở vòng loại thứ 3 World Cup 2026 khu vực châu Á. Tuy nhiên, ngay cả trong giai đoạn đội tuyển Việt Nam mạnh nhất (so với chính mình) vào các năm 2018 và 2008 (những năm chúng ta vô địch AFF Cup), việc tranh vé vào chung kết và giành ngôi vô địch Đông Nam Á cũng chưa bao giờ dễ dàng với đoàn quân của các HLV Calisto (2008) và Park Hang-seo (2018).
Ví dụ như năm 2008, Thái Lan mới là đội mạnh nhất Đông Nam Á, tiếp theo là Singapore với dàn cầu thủ nhập tịch vẫn còn rất đáng gờm. Năm 2018, Malaysia bất ngờ nổi lên mạnh mẽ, họ đánh bại cả Thái Lan trong trận bán kết. Cũng trong năm 2018, Indonesia chưa sử dụng nhiều cầu thủ nhập tịch và chưa đáng sợ như hiện nay.
Nói thế để thấy rằng trước sau Thái Lan vẫn luôn là nền bóng đá số 1 khu vực, nên hiện tại đội bóng xứ sở chùa vàng được đánh giá cao hơn đội tuyển Việt Nam cũng là điều không lạ. Trong khi đó, vấn đề lực lượng và sức mạnh của đội tuyển Indonesia hiện nay là vấn đề mà cả Đông Nam Á cảm thấy bất ngờ, chứ không riêng gì bóng đá Việt Nam. Thành ra, việc chúng ta tạm xếp dưới các đối thủ này là điều có thể lý giải trước thềm AFF Cup 2024.
Đội tuyển Việt Nam cũng không yếu khi HLV Kim Sang-sik hoàn tất sự chuẩn bị
Tuy nhiên, họ mạnh hơn không có nghĩa rằng chúng ta không có cơ hội. Quay lại chuyện của quá khứ, của chính chúng ta, chẳng phải đội bóng của HLV Calisto từng đánh bại 2 đội bóng mạnh hơn gồm Singapore và Thái Lan, để vô địch AFF Cup 2008 hay sao?
Vấn đề là sự chuẩn bị, là lực lượng và điểm rơi phong độ của toàn đội cho giải vô địch bóng đá Đông Nam Á. Về lực lượng, thật ra HLV Kim Sang–sik đang đi đúng hướng trong việc xây dựng lực lượng cho đội tuyển quốc gia, kết hợp giữa yếu tố kinh nghiệm (Tiến Linh, Tuấn Hải, Hùng Dũng) và sức trẻ, sự khát khao (Vĩ Hào, Văn Trường, Tô Văn Vũ), kết hợp giữa dàn cầu thủ có sực mạnh cơ bắp, có lợi thế về thể hình (Việt Anh, Thanh Bình, Thành Chung, Nguyễn Filip), với các cầu thủ chơi thiên về kỹ thuật và sự sáng tạo (Quang Hải, Tuấn Anh, có thể có thêm Công Phượng).
Điều quan trọng còn lại nằm ở chỗ phong độ của những cầu thủ này, cũng như sự kết hợp giữa họ khi giải đấu chính thức diễn ra. Ngoài ra, việc họ được đặt ra 1 chỉ tiêu cụ thể, về lý thuyết khá cao là lọt vào chung kết và hướng đến ngôi vô địch, chính là tạo ra động lực cho toàn đội.
HLV Trần Công Minh bình luận: “Trong bóng đá luôn cần có mục tiêu. Tôi cho rằng mục tiêu vào chung kết AFF Cup của đội tuyển Việt Nam là hợp lý. Đúng là các đối thủ nhỉnh hơn đội tuyển Việt Nam một chút, nhưng khoảng cách giữa họ và chúng ta vẫn đủ để cho phép đội tuyển Việt Nam đánh bại các đối thủ này trong 1 trận cầu cụ thể, khi chúng ta đạt phong độ cao. Bản thân các cầu thủ cần mục tiêu cao để biết được cái đích để phấn đấu, đồng thời có động lực để chinh phục giới hạn của bản thân”.
Bình luận (0)