Theo Bộ GD-ĐT, chậm nhất là ngày 22.8, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn và kết quả xét tuyển; đồng thời tới ngày 6.9, tất cả thí sinh trúng tuyển cần xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống.
Như vậy, chỉ còn một khoảng thời gian ngắn nữa là công tác tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm học 2023-2024 sẽ kết thúc.
Có trượt, có đỗ là bình thường
Chuyện thi cử, xét tuyển có trượt, có đỗ là bình thường. Các thí sinh đỗ đại học vui mừng bởi chỉ sau đây mấy năm nữa, các em tốt nghiệp ra trường có thể thực hiện những ước mơ nghề nghiệp của mình.
Các thí sinh không đỗ đại học sẽ không tránh khỏi tâm trạng buồn chán và thất vọng.
Vào những lúc như thế này, đối với các em không đỗ đại học thì cha mẹ phải là những "người bạn" luôn gần gũi, an ủi con để các em vơi đi nỗi buồn, sự thất vọng. Ngoài ra, cha mẹ phải cùng bàn bạc để định hướng nghề nghiệp cho con trong tương lai.
Nếu các em vẫn có ý muốn vào đời bằng con đường học hành và sẽ thi lại ở kỳ thi tuyển sinh năm tiếp theo, thì cha mẹ cũng cần chiều theo ý con và động viên con cố gắng tĩnh tâm để củng cố kiến thức thật vững vàng.
Chọn "cần câu cơm"
Đối với các học sinh có sức học bình thường hoặc không muốn học đại học, cha mẹ cũng nên hướng con đi học một nghề nào đó để làm "cần câu cơm" nhằm duy trì ổn định cuộc sống sau này.
Trong cuộc sống, thực tế có rất nhiều bạn trẻ không hề học đại học, chỉ học nghề nhưng vẫn thành công, cuộc sống vẫn sung túc, kinh tế ổn định…
Cha mẹ có thể kể cho con nghe về tấm gương một số bạn trẻ không học đại học mà vẫn thành công trên đường đời, để con thấu hiểu và tìm lối đi "vào đời" cho mình.
Về vấn đề con quyết định sẽ thi lại để học đại học hay chọn học nghề, cha mẹ chỉ nên là những người góp ý, định hướng. Phụ huynh không nên áp đặt con "phải thế này, con phải thế kia", phải nghe lời cha mẹ. Nếu cha mẹ hướng con học nghề này, nghề kia nhưng con không thích, không hứng thú mà chỉ làm theo để chiều ý cha mẹ, thì khó có thể thành công.
Vẫn biết rằng "có học có hơn", điều này tôi không phủ nhận, nhưng xã hội vẫn có nhiều bạn trẻ không học đại học nhưng vẫn thành công trên đường đời.
Do đó đại học không phải là con đường duy nhất, mà đường để vào đời cũng có muôn nẻo, lắm lối để bạn trẻ lựa chọn. Sự thành công có đến hay không, dù với bất kỳ công việc, nghề nghiệp gì đi chăng nữa thì cũng luôn cần sự nỗ lực phấn đấu của bản thân.
Thăm dò ý kiến
Bạn chọn hướng đi nào sau khi tốt nghiệp THPT?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Hãy để con lựa chọn theo năng lực và đam mê của chính mình
Lựa chọn ngành nghề, trước hết, học sinh cần phải thật sự đam mê, phải phù với năng lực của các em và khả năng tài chính, tiền bạc của gia đình.
Trong thực tế có nhiều em lựa chọn ngành nghề, vào học đại học không phải vì niềm đam mê hay là sở thích, năng lực của chính mình mà là theo yêu cầu, định hướng, tư vấn nghề nghiệp của cha mẹ, phụ huynh và của người thân trong gia đình.
Thực tế cũng đã có nhiều em sau khi vào giảng đường đại học và theo học được một thời gian, một vài học kỳ đã có cảm giác chán nản vì ngành nghề không phù hợp, học không phải vì niềm đam mê nên đành phải bỏ học giữa chừng.
Có thể nói định hướng, tư vấn nghề nghiệp của cha mẹ đối với con cái trước ngưỡng cửa vào đời là điều hết sức quan trọng nhằm góp phần để con biết được đâu là khả năng, năng lực, sở thích, hướng đi đúng đắn theo sở thích, niềm đam mê của chính mình. Thế nhưng quyết định cuối cùng vẫn là ở sự lựa chọn của con sao cho phù hợp với năng lực, nguyện vọng và cả niềm đam mê nghề nghiệp.
Hãy để cho con cái được quyết định tương lai, cuộc đời mình, được quyết định nghề nghiệp sau này của chính mình bằng năng lực, khả năng vốn có và niềm đam mê, mơ ước từ chính các em.
Nguyễn Đước
Bình luận (0)