Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình trước nguy cơ 'vỡ nợ'

11/08/2023 01:57 GMT+7

Cơ quan có thẩm quyền đề nghị ngành thể thao thực hiện đúng kết luận của Thanh tra Chính phủ về Khu liên hợp thể thao quốc gia. Còn đơn vị này đang tiếp tục phải chịu các hình thức xử lý của cơ quan thuế do nợ thuế kéo dài, hoàn toàn không còn khả năng chi trả.

SỐ NỢ LÊN ĐẾN GẦN 870 TỈ ĐỒNG, CÓ THỂ XIN PHÁ SẢN

Như Thanh Niên đã đưa tin, sau rất nhiều lần tiến hành cưỡng chế hóa đơn đối với Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (viết tắt là khu liên hợp), cơ quan thuế buộc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế khác, khi khu liên hợp vẫn không thể trả được khoản nợ cực lớn. Cách đây 2 ngày, cơ quan thuế có văn bản (lần 2) thông báo sẽ tiếp tục trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế đối với khu liên hợp. Quyết định có hiệu lực thi hành trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày 9.8 đến hết ngày 7.9.2023.

Lý do bị cưỡng chế: Người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế đã quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, hết thời hạn gia hạn nộp thuế, không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của luật Quản lý thuế và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Số tiền bị cưỡng chế gần 870 tỉ đồng. Cơ quan thuế yêu cầu ngân hàng trích tiền từ tài khoản của khu liên hợp. Cơ quan thuế cũng từng gửi văn bản với nội dung tương tự vào đầu tháng 7 năm nay. Được biết, trong hơn 1 tháng qua, ngân hàng đã trích nợ một vài lần, trong đó lần nhiều nhất là 9 tỉ đồng, các lần còn lại 1 tỉ đồng…

Khu liên hợp Mỹ Đình trước nguy cơ 'vỡ nợ' - Ảnh 1.

Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình có thể xin phá sản

MINH TÚ

Cơ quan thuế thực hiện đúng quy định pháp luật. Vấn đề nằm ở chỗ, ngân quỹ của khu liên hợp hiện không còn nhiều tiền và nếu tiếp tục bị trích nợ từ tài khoản, đơn vị này không còn kinh phí để trả lương cho cán bộ công nhân viên cũng như trang trải các hoạt động liên quan việc chăm sóc, bảo dưỡng sân Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước - hai hạng mục lớn của khu liên hợp. Một lãnh đạo của đơn vị này chia sẻ, trong bối cảnh khó khăn, khu liên hợp đang đứng trước nguy cơ bị "vỡ nợ" nên sẽ phải có báo cáo bằng văn bản, trình Bộ VH-TT-DL, Cục TDTT để xin hướng giải quyết. Thậm chí, phương án xấu nhất có thể xảy ra là khu liên hợp sẽ xin được phá sản.

Bê bối nghiêm trọng ở sân Mỹ Đình: Nợ thuế ngàn tỉ, cơ sở xuống cấp

THẤT THOÁT LỚN NHƯNG CHƯA AI BỊ XỬ LÝ nghiêm

Ở một diễn tiến khác có liên quan, như Thanh Niên từng đưa tin, cuối tháng 7.2023, ông Bùi Ngọc Lam, Phó tổng thanh tra Chính phủ (TTCP), chủ trì buổi công bố quyết định kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định của pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại khu liên hợp. Theo quyết định của TTCP, tổ kiểm tra do ông Ngô Khánh Luận, Phó vụ trưởng Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra thuộc TTCP, làm tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra ban hành năm 2021. Thời gian kiểm tra là 10 ngày, không kể ngày nghỉ, lễ.

Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình trước nguy cơ 'vỡ nợ' - Ảnh 3.

Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình trước nguy cơ 'vỡ nợ' - Ảnh 4.

Sân Mỹ Đình từng có thời gian bị xuống cấp do không có kinh phí bảo dưỡng, chăm sóc

Xin được nhắc lại, trong giai đoạn từ năm 2009 - 2018, khi ông Cấn Văn Nghĩa còn giữ chức Giám đốc khu liên hợp (ông này về hưu tháng 9.2018), đơn vị này đã có những việc làm sai nguyên tắc về quản lý sử dụng đất; có một số vi phạm, sai phạm. TTCP đề nghị Bộ VH-TT-DL tổ chức và chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân (theo từng thời kỳ) có liên quan sai phạm, vi phạm của khu liên hợp. Đặc biệt, TTCP kiến nghị Thủ tướng cho chuyển thông tin (tài liệu hồ sơ, chứng cứ) sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Viện KSND tối cao để thụ lý, xem xét theo quy định của pháp luật đối với một số nội dung được nêu trong kết luận.

Tính đến thời điểm này, chỉ duy nhất ông Cấn Văn Nghĩa bị cảnh cáo (ông Nghĩa từng tự nhận mức kỷ luật khiển trách nhưng không được ngành thể thao đồng ý). Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức nêu rõ, cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu cũng là đối tượng có thể xem xét xử lý. Ông Nghĩa là viên chức đã nghỉ hưu nhưng do có vi phạm nên vẫn nằm trong diện bị kỷ luật. Một số cá nhân khác bị khiển trách hoặc chỉ dừng ở mức rút kinh nghiệm.

Theo thông tin mà Thanh Niên nắm được, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ngành thể thao phải quyết liệt, nghiêm khắc, mạnh tay hơn trong xử lý vi phạm. Để xảy ra sự cố nghiêm trọng, gây thất thoát số tiền rất lớn như vậy mà các mức xử lý vẫn còn quá nhẹ, chưa đúng với yêu cầu của TTCP. Một lãnh đạo khu liên hợp cho biết tất cả hồ sơ vụ việc đã được đơn vị báo cáo cho tổ kiểm tra của TTCP, và khu liên hợp mong muốn, những cá nhân, tập thể sai phạm phải bị xử lý thích đáng. 

PHÓ THỦ TƯỚNG YÊU CẦU GÌ ?

Cuối tháng 5.2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu các cơ quan có liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện kết luận của TTCP về quản lý tài sản công tại khu liên hợp, trên nguyên tắc những nội dung đã rõ, đã thống nhất thì phải nghiêm túc, kịp thời thực hiện; những nội dung chưa rõ thì chủ động làm việc với TTCP và các cơ quan liên quan để tiếp thu, giải trình theo quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.