Theo hồ sơ, ngày 17.4.2015, trung tướng Lê Chiêm (lúc này là Tư lệnh, đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu 5) cùng Công ty TNHH TM-DV Trường Sơn Tùng (gọi tắt là Công ty Trường Sơn Tùng) ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng khu liên hợp (KLH) Trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp và chẩn đoán, khám chữa bệnh đa khoa, tư vấn chăm sóc sức khỏe (gọi tắt là KLH) trên khu đất 6.500 m2 (số 2 Nguyễn Hữu Thọ, Q.Hải Châu, Đà Nẵng).
Xây xong vẫn chưa có… giấy phép xây dựng
Ngày 9.5.2016, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công KLH với diện tích xây dựng 10.000 m2. Hạng mục 1 gồm: Khu chẩn đoán, khám bệnh, kho dược, vật tư y tế, nhà thuốc, phòng tư vấn sức khỏe 2 tầng. Hạng mục 2: Khu chăm sóc sức khỏe, vật lý trị liệu, thể dục - ẩm thực dưỡng sinh 1 tầng. Hạng mục 3: Dịch vụ tổng hợp.
Khối nhà 7 tầng và 3 tầng với mục đích làm bệnh viện trong khu liên hợp |
N.T |
Trong đó, Quân khu 5 là chủ quản đầu tư, chủ quản khu đất và tài sản, cơ sở hạ tầng trên đất; Trường Sơn Tùng là chủ đầu tư và đối tác tham gia; tổng mức đầu tư khoảng 50 tỉ đồng từ vốn của Trường Sơn Tùng và huy động khác (sau nâng lên 79 tỉ đồng). Thời hạn sử dụng đất là thời hạn hợp đồng trong 25 năm (2015 - 2040), nếu sau đó Quân khu 5 chưa có nhu cầu thu hồi đất thì ưu tiên cho Trường Sơn Tùng gia hạn.
Theo hợp đồng, Trường Sơn Tùng nộp tiền ký quỹ 2 tỉ đồng và 2 năm đầu phải trả cho Quân khu 5 1,2 tỉ đồng/năm; 3 năm tiếp theo trả 1,7 tỉ đồng/năm, sau đó điều chỉnh giá thuê 5 năm/lần nhưng không quá 10%.
Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng, tại thời điểm năm 2016, khi phát hiện khu đất xây dựng có dấu hiệu không phép, Sở Xây dựng và Q.Hải Châu tổ chức đoàn kiểm tra nhưng đoàn không vào được, không nhận được sự phối hợp với lý do công trình trên đất quốc phòng. Khi KLH gần xây xong, ngày 12.12.2016, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 mới có văn bản thực hiện thủ tục xin cấp phép xây dựng gửi Sở Xây dựng và UBND TP.Đà Nẵng. Khi đó Sở Xây dựng mới kiểm tra được hiện trạng, phát hiện công trình đã hoàn thiện khối đa khoa 7 tầng, khối nha khoa 3 tầng, trung tâm dịch vụ ô tô 2 tầng đã đưa vào sử dụng.
Trước các vấn đề vướng mắc với các công trình trên đất quốc phòng khác như KLH nêu trên, UBND TP.Đà Nẵng đã báo cáo Chính phủ và Bộ Quốc phòng. Ngày 23.12.2016, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cũng đã ghi nhận các thiếu sót và đề nghị TP tạo điều kiện để các đơn vị hoàn thành thủ tục theo quy định. Ngày 13.2.2017, Thanh tra Sở xử phạt vi phạm xây dựng không phép 50 triệu đồng. Sau đó, công trình xin mở rộng trung tâm dịch vụ ô tô gần 1.800 m2, xây mới khối phụ trợ và căng tin gần 350 m2 nhưng Sở Xây dựng không đồng ý vì với quy mô công trình còn thiếu gần 2.000 m2 bãi đậu xe.
Nhập nhằng quản lý đất quốc phòng
Về việc công trình KLH hiện gần như hoàn thiện nhưng vẫn không có giấy phép xây dựng, theo bà Hoàng Thị Thu Hương, Phó giám đốc Công ty Trường Sơn Tùng, các hồ sơ thiết kế, xây dựng công trình được Quân khu 5 phê duyệt, công ty cũng đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng với quân khu trong 7 năm qua và hai bên phối hợp chặt chẽ để tiến hành thủ tục đề nghị cấp phép xây dựng, nhưng vướng một số hồ sơ nên đến nay vẫn chưa được cấp phép. Nguyên do, theo ông Nguyễn Văn Duy, Phó chủ tịch UBND Q.Hải Châu, mấu chốt vướng mắc ở chỗ nguồn gốc sử dụng đất. Hiện khu đất vẫn là đất quốc phòng, chưa bàn giao về địa phương quản lý nên chính quyền không thể cấp phép cũng như tháo gỡ.
Ông Lê Văn Tuấn, Chánh thanh tra Sở Xây dựng, giải thích thêm, căn cứ quy định điểm b, c khoản 4 điều 50 Nghị định 43 năm 2014 của Chính phủ, kể từ 1.7.2014, việc sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế thuộc trường hợp phải chuyển sang thuê đất với địa phương. Từ đó, địa phương mới đủ cơ sở và thẩm quyền tiến hành các thủ tục đầu tư, cấp giấy phép, chứ không thể giải quyết trên đất quốc phòng. “Thông tư 35 năm 2009 của Bộ Quốc phòng trước đây quy định cho phép đất quốc phòng nếu chưa dùng vào mục đích quốc phòng thì có thể hợp tác đầu tư, thông tư này dựa trên luật Đất đai 2003. Khi luật Đất đai mới 2013 ra đời, có hiệu lực từ 1.7.2014, thì đã có Nghị định 43, không áp dụng Thông tư 35 nữa”, ông Lê Văn Tuấn nói.
Tạm dừng hoạt động chờ xử lý
Trước tình hình trên, chiều 15.2, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Công ty Trường Sơn Tùng đã có buổi họp bàn nhưng cả hai chưa đồng thuận phương án tháo gỡ. Trước mắt, Quân khu 5 đề nghị Công ty Trường Sơn Tùng và các bên liên quan tạm dừng mọi hoạt động ở khu khám chữa bệnh để chờ xử lý.
Theo bà Hoàng Thị Thu Hương, hiện đơn vị chấp hành khắc phục các thiếu sót để sớm được cấp phép, hoàn công để vận hành, bù đắp các chi phí đầu tư; trường hợp không thể tiếp tục công trình, thì nên để tòa án phân xử theo điều khoản trong hợp đồng.
Theo trung tướng Thái Đại Ngọc, Tư lệnh Quân khu 5, các hợp đồng ký kết trước đây không đúng quy định thì nay sẽ tháo gỡ bằng Nghị quyết 132 năm 2020 Quốc hội thí điểm một số chính sách tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng an ninh kết hợp lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Hiện Nghị định 26 của Chính phủ và Thông tư 58 năm 2021 Bộ Quốc phòng cũng đã quy định, hướng dẫn cụ thể về Nghị quyết 132, do đó Quân khu 5 đang đánh giá lại các dự án để giải quyết, theo chủ trương sắp xếp gọn gàng quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh theo tình hình mới.
Hiện nay, không chỉ công trình KLH nêu trên, mà từ ngày 20.4.2017, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND TP.Đà Nẵng đề nghị Quân khu 5 có ý kiến về việc ký hợp đồng hợp tác với các doanh nghiệp nhằm thống nhất công tác quản lý đất đai trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Hiện UBND TP tiếp tục chỉ đạo các sở ngành phối hợp Cục Hậu cần Quân khu 5 và các đơn vị rà soát tổng thể vướng mắc tại tất cả dự án đầu tư trên đất quốc phòng trên địa bàn TP để xử lý đúng quy định pháp luật.
Hợp đồng giữa Quân khu 5 và Công ty Trường Sơn Tùng quy định gì?
Theo hợp đồng, Quân khu 5 có trách nhiệm phối hợp với Công ty Trường Sơn Tùng hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng và các vấn đề liên quan theo quy định của cơ quan cấp trên và chính quyền địa phương.
Quân khu 5 cũng có trách nhiệm bồi thường cho Công ty Trường Sơn Tùng toàn bộ chi phí đầu tư trên khu đất và thiệt hại kinh doanh nếu dừng hợp đồng trước hạn (trừ trường hợp bất khả kháng, cấp thiết quy định tại Thông tư 35 năm 2009 Bộ Quốc phòng). Trong tình huống này, mỗi bên tự chịu tác động của sự cố với phần tài sản của mình.
Phần xác định giá trị thiệt hại do cơ quan thẩm định độc lập thẩm định và hai bên thống nhất. Còn Công ty Trường Sơn Tùng có trách nhiệm trực tiếp kinh doanh, dùng khu đất đúng mục đích, được phép liên kết liên doanh xây dựng, kinh doanh, quản lý điều hành và thông báo cho Quân khu 5.
Công ty Trường Sơn Tùng được dùng tài sản đầu tư hoặc quyền quản lý kinh doanh, khai thác dự án để làm tài sản đảm bảo vay vốn, nhưng không được thế chấp, ủy quyền, chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất hoặc hợp đồng. Trường hợp tranh chấp không đàm phán được, vụ việc được giải quyết tại TAND TP.Đà Nẵng.
Bình luận (0)