Khu thương mại tự do phải đột phá và 'mở' hơn

01/06/2024 06:33 GMT+7

Đồng tình với đề xuất thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, song nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng các cơ chế, chính sách cho khu thương mại tự do cần đột phá, vượt trội và "mở" hơn mới có thể phát huy hiệu quả.

Nếu chung chung làm sao triển khai ?

Chiều 31.5, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết các chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng, trong đó có chính sách mới là đề xuất thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Nêu ý kiến, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) đồng tình với đề xuất thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, đây là chính sách mới mà từ trước tới nay các địa phương khi xây dựng chính sách đặc thù chưa ban hành được.

Tuy nhiên, bà Hà đề nghị Chính phủ cần cung cấp thêm tài liệu về mô hình này trên thế giới để ĐB có thể nghiên cứu; đồng thời so sánh xem khu thương mại tự do khác gì với khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp công nghệ cao… đang quy định trong pháp luật hiện hành.

ĐB Hà cũng đánh giá theo tờ trình của Chính phủ thì hiểu là khi nhà đầu tư đặt văn phòng tại khu thương mại tự do sẽ được ưu đãi, cắt giảm các thủ tục về hành chính. Song, những nội dung này đâu đó ở các khu khác cũng có. "Tôi đề xuất phải làm rõ thêm để có tính thuyết phục hơn về những ưu thế vượt trội của khu thương mại tự do", bà Hà nói.

Khu thương mại tự do phải đột phá và 'mở' hơn- Ảnh 1.

Cơ chế đặc thù được kỳ vọng thúc đẩy TP.Đà Nẵng phát triển

Ngọc Thắng

ĐB Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, đề nghị Chính phủ có một đề án riêng về khu thương mại tự do chứ không thể quy định chung chung tại nghị quyết.

"Nếu đưa chung chung vào thế này thì sau làm sao mà triển khai được. Bởi vì quy định như thế chưa phù hợp với quy định hiện nay và sẽ phát sinh mâu thuẫn. Cần phải tách ra để xây dựng một đề án nói rõ cơ chế chính sách nào vượt trội, nằm ở luật nào", ông Đồng đề nghị.

ĐB Đồng dẫn chứng, tại tỉnh Quảng Trị từ năm 2000 cũng thí điểm xây dựng Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo nhưng tới năm 2015 tổng kết thì có nhiều bất cập, nhiều lỗ hổng, gây thất thu thuế. Do đó, ông Đồng đề nghị cần có quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế, chính sách cho khu thương mại tự do khi khu thương mại tự do chưa được quy định trong hệ thống pháp luật hiện nay.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề: "Nếu mà phải có đề án riêng thì bao giờ mới có được mô hình khu thương mại tự do?". Ông Thanh kiến nghị: "Cứ thí điểm thành lập và coi đây như chỗ để thí điểm cơ chế chính sách. Nếu cơ chế chính sách nào có hiệu quả thì ta nhân rộng ra bên ngoài". Ông Thanh thông tin: Trung Quốc hiện có 22 khu thương mại tự do, và khu đầu tiên là tại Thượng Hải đã qua 6 lần điều chỉnh, từ 28 km2 ban đầu, tới nay đã mở rộng thành 200 km2 và được đánh giá rất thành công.

Dù vậy, ông Thanh cũng cho rằng cơ chế chính sách cho Khu thương mại tự do Đà Nẵng "vẫn còn hẻo quá" vì chủ yếu bê các quy định từ chỗ này chỗ kia đã được áp dụng ở các khu công nghiệp, khu kinh tế.

"Nếu các cơ chế chính sách như thế này thì có hấp dẫn được với các khu thương mại tự do ngay sát chúng ta. Tôi vẫn muốn cho thí điểm nhưng cơ chế chính sách thì phải có cái gì đột phá, mở hơn", ông Thanh nêu.

Trong khi đó, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định khu thương mại tự do là một trong những chính sách "rất đáng quan tâm" tại dự thảo nghị quyết, thể hiện sự đột phá, dám nghĩ dám làm khi thử nghiệm một mô hình đã được thế giới khẳng định nhưng chưa có tiền lệ, chưa có thực tiễn ở VN.

"Chúng tôi xác định việc này có rủi ro, nhưng chúng tôi chấp nhận. Nếu thành công, đây sẽ là nền tảng nhân rộng cho cả nước, còn rủi ro thì thành phố là người sẽ gánh chịu", ông Quảng chia sẻ.

Nghệ An có 5 phó chủ tịch tỉnh là nhiều ?

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, ĐB Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB QH tỉnh Quảng Ninh, cho hay UBND tỉnh Nghệ An đang được cơ cấu 4 phó chủ tịch UBND tỉnh. Theo dự thảo nghị quyết, Chính phủ đề xuất không quá 5 phó chủ tịch, nghĩa là tăng thêm 1 vị trí phó chủ tịch.

Tuy nhiên, bà Hà dẫn khoản 2 điều 8 luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 nêu rõ: UBND gồm chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên, số lượng cụ thể phó chủ tịch UBND các cấp do Chính phủ quy định. "Như vậy, số lượng các phó chủ tịch UBND các cấp do Chính phủ quy định. Vậy, có nên đưa vào trong nghị quyết của QH hay không, đề nghị các đồng chí xem xét thêm", bà Hà nêu.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường QH Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) cho rằng, dù tờ trình và báo cáo thẩm tra nói đã có ý kiến đồng ý trước rồi, song bà vẫn cho rằng đây là vấn đề cần cân nhắc. Theo bà Thủy, số lượng phó chủ tịch UBND tỉnh cần phải tính toán dựa trên quy mô dân số, diện tích cũng như tính phức tạp trong quản lý của địa phương.

Bà Thủy dẫn chứng, TP.Hà Nội với đặc thù là thủ đô, dân số đông, diện tích lớn cũng tối đa 5 phó chủ tịch. Hay TP.HCM "to như thế" nhưng cũng chỉ 5 phó chủ tịch. "Bây giờ Nghệ An mà có tới 5 phó chủ tịch thì tôi thấy cũng hơi nhiều. Thật ra nếu tăng thêm 1 phó chủ tịch thì cũng không tác động gì lớn đến phát triển KT-XH hay đảm bảo Nghệ An phát triển như mục tiêu đặt ra khi đề xuất các chính sách đặc thù tại nghị quyết này", bà Thủy nêu.

Dự thảo nghị quyết cũng đề xuất quy định các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư được sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với H.Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết đa số ý kiến nhất trí với đề xuất này, vì tương tự với chính sách đã được QH cho phép thí điểm áp dụng tại Thừa Thiên-Huế.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng đề xuất tại dự thảo là "khác rất nhiều" so với chính sách đang áp dụng cho Thừa Thiên-Huế. "Như thế này có nghĩa là mình quyết định cho phần ngân sách không phải của mình. Ngân sách của tỉnh khác, người ta muốn cho là quyền của người ta, người ta muốn cho ai người ta cho chứ", bà Thủy nói.

Theo bà Thủy, trường hợp của Thừa Thiên-Huế, các địa phương khác hỗ trợ thông qua việc đóng góp vào Quỹ bảo tồn di sản Huế và chỉ dành cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản. Còn như dự thảo với Nghệ An, đây là chính sách để phát triển KT-XH của một huyện, của cả khu vực miền Tây Nghệ An, vì thế mục tiêu, thẩm quyền đều không phù hợp.

"Nếu dựa vào đây để cấp ngân sách thì liệu có thanh quyết toán được hay không. Bởi lẽ nghị quyết dành cho tỉnh Nghệ An chứ không phải dành cho các tỉnh có ngân sách hỗ trợ", bà Thủy đặt vấn đề, đồng thời kiến nghị nên quy định theo hướng để cho các huyện thuộc tỉnh Nghệ An hỗ trợ nhau.

Chiếc áo cơ chế đã quá chật ?

ĐB Hà Sỹ Đồng cho biết đến nay đã có 10 địa phương xin chính sách đặc thù. Ông đặt vấn đề: "Có phải cái áo pháp luật của chúng ta quá chật, không còn phù hợp với nhà nước pháp quyền XHCN, kinh tế thị trường định hướng XHCN và nó đang o bế, kìm hãm tính tự chủ của chính quyền địa phương, chưa phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương?".

Dù đồng tình các chính sách đặc thù cho Nghệ An, Đà Nẵng đang trình QH tại kỳ họp này, ĐB Đồng nói: "Liệu sau Đà Nẵng, Nghệ An, sẽ còn bao nhiêu tỉnh, thành nữa xin được thí điểm cơ chế đặc thù? Chúng ta nên có điểm dừng để tổng kết và nhân rộng".

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng chính sách đặc thù của các địa phương khi trình lên gần như "sao chép" các địa phương khác mà không tính đến đặc điểm của địa phương mình. Ông đề nghị cần đánh giá các chính sách từng áp dụng có ưu, nhược điểm gì để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, từ đó đưa vào nghị quyết, đảm bảo phát huy hiệu quả.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.