Khủng hoảng Iraq: Những điều cần biết

18/06/2014 09:10 GMT+7

(TNO) Iraq đang chìm trong khủng hoảng trong một tuần qua sau khi một tổ chức Hồi giáo cực đoan dòng Sunni từng thuộc Al Qaeda mở cuộc tấn công chớp nhoáng chiếm được phần lớn miền bắc nước này và đang tiếp tục tiến về thủ đô Baghdad.

(TNO) Iraq đang chìm trong khủng hoảng trong một tuần qua sau khi một tổ chức Hồi giáo cực đoan dòng Sunni từng thuộc Al Qaeda mở cuộc tấn công chớp nhoáng chiếm được phần lớn miền bắc nước này và đang tiếp tục tiến về thủ đô Baghdad.


Các tay súng ISIL giơ súng chuẩn bị thanh trừng tập thể các tù binh thuộc lực lượng dân quân Iraq - Ảnh: AFP

Tờ USA Today tóm lược những gì đang diễn ra tại quốc gia Tây Á này.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo và Cận Đông (ISIL) là ai?

ISIL, hay còn được biết đến với tên gọi Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS), ban đầu là một nhánh của Al Qaeda và tổ chức khủng bố Juhbat al-Nursa.

ISIL sau đó đã tách khỏi Al Qaeda do bất đồng quan điểm về tình hình Syria và Al Qaeda thường xem tổ chức này là “cực đoan quá mức” đối với các hoạt động của mình.

Chuyện gì đang diễn ra tại Iraq?

ISIL đã đánh chiếm thành công phần lớn miền bắc Iraq chỉ trong một tuần lễ qua.

Vào hôm 16.6, tổ chức Hồi giáo cực đoan này đã chiếm được Tal Afar, một thị trấn quan trọng nối liền Iraq, Syria và đang tiếp tục tiến quân về thủ đô Baghdad.

Tal Afar, cùng với Mosul, thành phố lớn thứ 2 Iraq, Tikrit, quê nhà của nhà độc tài Saddam Hussein và nhiều thành phố lớn khác đang nằm dưới sự kiểm soát của ISIL.

Các bức ảnh do chính ISIL công bố cho thấy cảnh các tay súng của tổ chức này thảm sát hàng loạt lính và thường dân Iraq.

Hiện chưa có con số thống kê thương vong chính thức, nhưng nhiều khả năng đã có hàng trăm người thiệt mạng.

Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng?

Thủ tướng Iraq Nouri Al Maliki, một người Hồi giáo dòng Shiite, lên nắm quyền hồi năm 2006 và đã tước bỏ chức vụ của rất nhiều chính trị gia Hồi giáo dòng Sunni, tạo ra một bất đồng mang tính sắc tộc lớn tại Iraq.

Trong quá khứ, ông Al Maliki cũng đã từng bị chỉ trích vì chỉ cân nhắc đồng minh chính trị vào các vị trí cấp cao trong quân đội.

Nhiều người chỉ trích rằng chính chính quyền Al Maliki và cách thức bổ nhiệm người trong hàng ngũ quân đội là nguyên nhân chính dẫn đến sự yếu kém của quân đội Iraq sau khi quân Mỹ rút khỏi nước này vào năm 2011.

Chính quyền Iraq phản ứng như thế nào với cuộc khủng hoảng trong nước?


Lực lượng an ninh vũ trang Iraq đang cố ngăn đà tiến quân của ISIL tại thành phố Ramadi - Ảnh: Reuters

Quân đội Iraq đã cố ngăn ISIL nhưng không thể đánh đuổi tổ chức này ra khỏi các thành phố bị mất.

Vào ngày 17.6, Thủ tướng Iraq Al Maliki đã lên tiếng kêu gọi người dân Iraq tòng quân chiến đấu giành lại “từng tấc đất” bị chiếm đóng.

Mỹ có động thái gì đối với khủng hoảng Iraq?

Vào hôm 16.6, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gửi một toán quân gồm 275 binh sĩ đến Iraq để bảo vệ an ninh cho nhân viên và công dân nước mình tại đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.

Ông Obama tuyên bố toán quân này được vũ trang và sẽ đồn trú tại Iraq cho đến khi tình hình không còn cần đến sự hiện diện của họ.

Tuy nhiên, hồi tuần trước, tổng thống Mỹ đã bác bỏ khả năng đem quân trở lại Iraq.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong một phát biểu mới đây đã khẳng định Washington đang xem xét mọi biện pháp, kể cả hợp tác với Iran, để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Iraq.

Một số quan chức Mỹ đã được sơ tán khỏi đại sứ quán ở Baghdad, còn Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo về tình hình bất ổn cho toàn bộ công dân nước này đang có mặt ở Iraq.

Hải quân Mỹ đã gửi tàu sân bay USS George Bush cùng một tàu khu trục tên lửa và tàu chiến đến Vùng Vịnh vào cuối tuần qua, sẵn sàng can thiệp quân sự khi được lệnh.

Hoàng Uy

>> Mỹ đưa quân đến Iraq
>> Người Anh gốc Iraq dọa nhấn chìm London trong thánh chiến
>> Mỹ cân nhắc không kích bằng máy bay không người lái ở Iraq
>> Mỹ điều 275 binh sĩ đến Iraq
>> Mỹ lên án vụ các tay súng cực đoan thảm sát binh sĩ Iraq
>> Quân đội Iraq chặn đà tiến của ISIL
>> Iran gấp rút gửi 2.000 quân đến Iraq

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.