Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sinh sản tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) Quách Hưng Bình đã trình đề nghị khuyến khích sinh con nói trên lên các đại biểu trong tỉnh. Ông cho rằng chính quyền nên tạo ra một “môi trường mai mối hôn nhân tốt và khuyến khích phụ nữ trong độ tuổi từ 21-29 sinh con trong thời kỳ sinh sản tối ưu này”, theo tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 25.1.
Đề nghị của ông Quách đề cập nỗi lo lắng rằng Trung Quốc sẽ đối diện cuộc khủng hoảng dân số tương lai, với tình trạng xã hội đang già đi và lực lượng lao động giảm đang đe dọa sự phát triển tương lai của đất nước. Nhằm giải quyết tình trạng này, đề nghị cho rằng cần phát triển một khuôn khổ để khích lệ người dân sinh thêm con.
Khó được chấp nhận?
Ông Lương Trung Đường, chuyên gia dân số về hưu, từng làm việc tại Viện Khoa học xã hội Thượng Hải và là một nhân vật được kính trọng trong lĩnh vực chính sách dân số của Trung Quốc, nhận định không có nhiều cơ hội cho đề nghị của ông Quách được chấp nhận và được thực hiện khắp Trung Quốc, theo SCMP. Ông Lương cho rằng “những nhà lập chính sách của đảng cấp trung ương không còn sẵn sàng tham gia việc kiểm soát dân số”, vốn đã tạo ra nhiều vấn đề đạo đức.
Bất kỳ chính sách dân số mới, trong đó có việc khuyến khích sinh con, có thể khơi lại nỗi đau của dân chúng về những tổn hại trong 3 thập niên sống dưới thời chính sách một con, theo ông Lương. Ông còn cho rằng đảng Cộng sản Trung Quốc có thể xem cuộc thảo luận như thế là điều hổ thẹn đối với giới lãnh đạo của đảng, theo SCMP.
Còn đối với những người khác, đề nghị của ông Quách dường như thiếu thực tế. Bà Alan Zhang, từ tổ chức phi lợi nhận ủng hộ quyền lợi của phụ nữ ADFN (Trung Quốc), cho rằng những kỳ vọng của xã hội đã khiến nhiều người trẻ ở Trung Quốc cảm thấy không đủ tiêu chuẩn để lập gia đình. “Những người trẻ Trung Quốc muốn nuôi một gia đình cảm thấy rất lo lắng vì xã hội mong họ trước khi kết hôn nên sở hữu một chiếc xe hơi, một căn hộ và sống trong một khu lịch sự có nhiều trường học tốt”, bà Zhang nhận định.
|
Việc gia tăng lợi ích về nhà ở và giáo dục dành cho các cặp vợ chồng muốn có con, và xây thêm trường mầm non để hỗ trợ những cặp vợ chồng đi làm, chỉ là một trong số những đề nghị ông Quách đưa ra nhằm khuyến khích người dân sinh con. Tuy nhiên, bà Zhang cho rằng tuy có vài chính sách có thể hỗ trợ một số cặp vợ chồng, nhưng không bù đắp được những chi phí cao liên quan việc kết hôn và có một gia đình trong xã hội hiện đại ở Trung Quốc.
Theo bà Zhang, nhiều người trẻ ở Trung Quốc quá quen với việc bị cha mẹ gây sức ép lập gia đình, sinh con và đề nghị trên của ông Quách dường như ủng hộ việc này. “Nó giống như chính quyền (tỉnh Sơn Tây) đang ép người dân kết hôn và có nhiều con. Nếu được chấp nhận, những chính sách như thế có thể phản tác dụng, dẫn tới ngày càng ít người sinh con”, bà Zhang cảnh báo.
Viễn cảnh xấu nhất
Dân số của Trung Quốc có thể bắt đầu co lại từ năm 2027, theo viễn cảnh xấu nhất do Viện Khoa học xã hội Trung Quốc đưa ra. Chính quyền Trung Quốc lo ngại rằng viễn cảnh xấu nhất có thể làm chậm quá trình tăng trưởng kinh tế và gây áp lực lên quỹ trợ cấp quốc gia. Hồi năm 2019, giới chức Trung Quốc ghi nhận có 14,65 triệu ca sinh, mức thấp nhất kể từ năm 1961, khi nước này trải qua nạn đói, theo SCMP.
Chính sách một con và tình trạng đô thị hóa nhanh chóng của Trung Quốc đã dẫn tới những sự thay đổi nhanh về dân số của nước này. Trung Quốc thực hiện chính sách một con, vốn cấm hầu hết các gia đình sinh hai con, từ cuối thập niên 1970. Đến năm 2016, chính sách này được thay thế bằng chính sách 2 con.
Cuộc khủng hoảng dân số ở Trung Quốc diễn ra nhanh bị cho là do tình trạng đô thị hóa, với chi phí sinh hoạt cao ở các thành phố của nước này bị xem là nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ không muốn có con, theo SCMP.
Bình luận (0)