Khuynh hướng ‘trao đổi chất’ gây sửng sốt trong kiến trúc ở Nhật Bản

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
16/05/2022 10:54 GMT+7

Trong thế kỷ 20, ở Nhật Bản xuất hiện khuynh hướng kiến trúc “Metaborizumu” (メタボリズム, trao đổi chất) khiến giới kiến trúc trên toàn thế giới ... sửng sốt bởi ý tưởng tân kỳ chuyển hóa khái niệm sinh học sang kiến trúc.

Metaborizumu có nghĩa là “sự trao đổi chất” trong tiếng Nhật, một phong trào kiến trúc của Nhật Bản thời hậu chiến kết hợp các ý tưởng về siêu công trình kiến trúc với những công trình sinh học hữu cơ.

Năm 1960, trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Thiết kế Thế giới Tokyo, một nhóm kiến trúc sư và nhà thiết kế trẻ, bao gồm Kiyonori Kikutake, Kisho Kurokawa, Masato Otaka, Fumihiko Maki và nhà phê bình Noboru Kawazoe, đã chuẩn bị xuất bản bản tuyên ngôn Trao đổi chất (Metaborizumu), coi thành phố, những tòa nhà giống như những thực thể sống, cần phải thay đổi, làm mới đi sau một thời gian.

Tháp Nakagin Capsule có 140 căn ở Tokyo, do kiến trúc sư Kisho Kurokawa thiết kế (trên) và Tòa nhà Toshiba-IHI, tại Hội chợ triển lãm Osaka năm 1970

Yoshikazu Tsuno AFPGetty, Takato Marui (Wikimedia Commons)

Ban đầu nhóm này sử dụng thuật ngữ Metaborizumu (trao đổi chất) trong tiếng Nhật song nghĩ rằng để phổ biến hơn thì cần phải dùng tiếng Anh, do đó họ chọn thuật ngữ Metabolism cũng có nghĩa tương ứng là “trao đổi chất”. Ở Việt Nam, có người dịch Metabolism là Chuyển hóa luận, riêng chúng tôi, dựa trên tuyên bố của những người sáng lập (Metabolists), chúng tôi tạm dịch thuật ngữ này là Chuyển hóa chất, vì nhóm kiến trúc sư Nhật muốn sử dụng phép ẩn dụ sinh học để tái sinh các tòa nhà.

Họ viết: “Chúng tôi coi xã hội loài người là một quá trình quan trọng - một sự phát triển liên tục từ nguyên tử đến tinh vân”. Nhóm này liên tưởng các yếu tố xây dựng khác nhau như các tế bào, do đó giới quan sát cho rằng các dự án của họ chính là DNA của riêng họ.

Nhóm Chuyển hóa chất đã nhìn thấy những khả năng mới thú vị để xây dựng lại thành phố. Họ tìm hiểu các nguyên tắc trong kiến trúc phương Tây, chủ nghĩa hiện đại, đồng thời cũng xem xét cách bảo tồn nền văn hóa trước chiến tranh của chính họ.

Một phong trào mới, Metabolism, xuất hiện là điều tất yếu. Những người chủ trương Metabolism khẳng định rằng kiến trúc cần phải bền vững, thích ứng và có khả năng đối phó với thảm họa trong cả tự nhiên và con người.

Khu phức hợp Habitat 67 do kiến trúc sư Moshe Safdie thiết kế ở Montreal, Quebec, Canada

dreamstime.com, mtl.org, building.ca

Nhóm Chuyển hóa chất có ý tưởng táo bạo là xây dựng mô hình thành phố hình tháp, đó là một tòa tháp cao 300 mét làm cơ sở hạ tầng cho cả thành phố. Nó bao gồm giao thông, dịch vụ và một nhà máy sản xuất nhà tiền chế. Tòa tháp là "đất nhân tạo" thẳng đứng mà trên đó có thể sử dụng các viên nang nhà ở đúc sẵn bằng thép. Kikutake đề xuất rằng những viên nang này sẽ tự đổi mới sau mỗi năm mươi năm, và thành phố sẽ phát triển hữu cơ giống như những cành cây.

Những công trình nổi tiếng theo trường phái Metabolism

Năm 1967, phong trào này đã truyền cảm hứng cho thiết kế của kiến trúc sư Moshe Safdie (người Canada gốc Israel), đó là công trình Habitat 67, một khu phức hợp nhà ở và cộng đồng kiểu mẫu ở Montreal, Quebec, Canada. Công trình lừng lẫy một thời này bao gồm 354 dạng bê tông đúc sẵn, giống hệt nhau được sắp xếp theo nhiều tổ hợp khác nhau, tổng cộng 12 tầng, tạo ra 146 khu nhà ở có kích thước và cấu hình khác nhau, mỗi khu nhà được hình thành từ một đến tám đơn vị bê tông liên kết.

Từ năm 1970, nhóm Chuyển hóa chất đã phát triển ý tưởng cho các ngôi nhà riêng lẻ, tòa nhà chung cư, gian hàng hội chợ và toàn bộ đô thị, bao gồm Trung tâm Phát thanh và Báo chí Yamanashi của Tange và Tháp Nakagin Capsule của Kurokawa.

Osaka Expo năm 1970 được coi là sự thần thánh hóa của nhóm, tại đó, Kikutake và Kurokawa đã tạo ra các gian hàng gợi lên các tế bào và vật chất di truyền. Kisho Kurokawa đã mở rộng ý tưởng về không gian sống thành một ngôi nhà cho nhiều người sinh sống. Tháp Nakagin Capsule (1972) của ông đã trở thành một địa điểm du lịch ở Tokyo.

Kiến trúc sư này đã tạo ra một lõi trung tâm cao 14 tầng cho tòa nhà, sau đó cắm 140 viên nang riêng lẻ, vận chuyển trong các container. Mỗi phòng đều có một cửa sổ lớn, hình tròn và đóng vai trò như một ngôi nhà tối giản hoặc không gian thay thế. Kết quả công trình kiến trúc trông giống như các viên gạch nhô ra từ một tòa tháp màu nâu, mỗi viên đều nhìn ra thành phố bằng ống kính cyclops riêng.

Phong cách Chuyển hóa chất mới (New Metabolism), do nhóm sinh viên Hồng Kông thực hiện qua thiết kế Flux House, một tòa tháp “ký sinh” kết hợp với các robot

architizer.com

Nhìn chung, có nhiều tòa nhà đã hình thành theo phong cách Chuyển hóa chất, bên cạnh đó là những siêu dự án chưa thực hiện. Năm 2018, kiến trúc sư Sou Fujimoto (Nhật Bản) đã giành chiến thắng trong cuộc thi kiến trúc ở Nice, Pháp. Đó là thiết kế một tòa tháp với những tán cây nhấp nhô, bao phủ chung quanh. Đây là một phần trong quy hoạch tổng thể trị giá 275 triệu euro.

Từ khuynh hướng ‘trao đổi chất’ gây sửng sốt ở Nhật Bản, gần đây là phong cách Chuyển hóa chất mới (New Metabolism), do nhóm sinh viên Hồng Kông thực hiện qua thiết kế Flux House, một tòa tháp “ký sinh” (“Parasitic” Pod Tower) kết hợp với các robot. Cư dân sẽ không sở hữu khoang ngủ - thay vào đó, họ có thể lên bất kỳ ngôi nhà mở nào và sửa đổi nó ngay tại thời điểm đó, để tạo không gian riêng theo sở thích của từng cá nhân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.