Lắt léo chữ nghĩa: Đầu nậu và nẫu

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
15/05/2022 07:30 GMT+7

Nhiều người nghĩ rằng đầu nậu là từ lóng, song thực tế không phải vậy, bởi vì đầu nậu là từ ghép xuất hiện cách đây vài trăm năm, đã từng được ghi nhận bằng chữ Nôm qua cách viết: đầu (頭): người đứng đầu; nậu (耨): bọn, nhóm.

Trong Nam Việt-Dương Hiệp Tự vị (1838), Jean-Louis Taberd đã từng ghi nhận nậu là 耨 (chữ Nôm), với ví dụ “kẻ đầu nậu” (dux alicujus turmæ) - tr.329. Trương Vĩnh Ký giải thích cụ thể hơn trong quyển Grammaire de la langue annamite (1883): “Nậu làm mướn (thuê): l’ouvrier, le journalier. Nậu làm ruộng: l’agriculteur (ouvrier dans les champs)”. Vậy nậu làm mướn chính là thợ, công nhân, người làm việc hưởng lương công nhật; còn nậu làm ruộng chính là nông dân. Từ nậu được dùng với tính chất cá nhân (số ít) hoặc tập thể (số nhiều).

Khởi thủy, nậu xuất phát từ 2 chữ nậu (耨) và nậu (鎒) trong Hán ngữ với nghĩa là “cái dầm, cái cuốc, cái bừa (để làm cỏ)” hoặc “làm cỏ, giãy cỏ”; về sau trở thành từ chỉ khu vực rồi biến nghĩa thành “bọn, nhóm” trong tiếng Việt. Điều này đã được ghi nhận trong bộ Đại Nam thực lục (tiền biên, quyển thượng), phần viết về Duệ tông Hiếu Định hoàng đế (1754 - 1777), xin trích đoạn: “Nậu nghĩa là làm cỏ ruộng, tục gọi đám đông người là nậu, ý là hợp nhiều người để làm ruộng”; “trưởng nhóm thường được gọi là “đầu nậu”; “Nậu là khu vực địa lý: thời vua Duệ tông, phủ Phú Yên được chia 38 thuộc, trong mỗi thuộc gồm có một số thôn, phường, nậu, man…”. Ngoài 2 chữ Hán kể trên, còn chữ nậu (𧂭) thuần Nôm do chính người Việt sáng tạo. Đây mới là chữ chuẩn xác dùng trong từ ghép đầu nậu. Theo Đại Nam thực lục, ngày xưa, có những nậu phải nộp cống phẩm cho chính quyền như nậu sáp ong, nậu dầu rái, nậu dầu trám, nậu mây sắt mây nước, nậu lá buông, nậu buồm lá hay nậu đồn điền… Khái niệm đầu nậu được hiểu là người đứng đầu nhóm chuyên về lãnh vực nào đó, không mang nghĩa xấu hoặc tiêu cực như nhận định trong từ điển ngày nay. Quyển Sơ thảo lịch sử thủy lợi Việt Nam (1981) của Khánh Phan cho biết, trước đây người ta còn dùng từ thủ nậu thay cho đầu nậu: “Các thôn xã chia dần thành từng nậu có thủ nậu chỉ huy” (tập 1, tr. 256).

Có nhiều từ liên quan tới nậu mà ngày nay ít dùng, ví dụ: “Nậu rớ (nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ); nậu rỗi (buôn bán cá); nậu nại (làm muối); nậu nguồn (khai thác rừng)” - trích Văn hóa dân gian, tr.75, Viện Văn hóa dân gian (2003); “Nậu phường có nghĩa nậu ở dơ, ăn bận rách rưới. Giữa Cầu Kho và Chợ Quán thời chúa Nguyễn có xóm ăn mày” - Bến Nghé xưa, tr.54 (1997) của Sơn Nam; “Nậu rổi (Nậu: bọn; Rổi: mua ở nơi này , bán ở nơi khác ) - Buôn rổi: buôn gánh bán bưng” - Tạp chí Hán Nôm - số 38-41, tr.12 (1999).

Còn từ nẫu thì sao? Có quan điểm cho rằng nẫu = nậu + ấy, cũng giống như: ổng = ông + ấy; chỉ = chị + ấy; trỏng = trong + ấy; bển = bên + ấy… Điều này phù hợp với cách giải thích trong Đại Nam Quấc âm tự vị (1895): Nậu ấy là bọn ấy, lũ ấy, những người ấy. Tục trại là “nẫu” (tr.687). Ngoài ra, nẫu còn có nghĩa là người như trong ca dao miền Trung: Ai làm nậu ái, nậu ân hoặc Nẫu về xứ Nẫu bỏ mình bơ vơ. Điều này phù hợp giải thích trong quyển Giúp đọc Nôm và Hán Việt của Anthony Trần Văn Kiệm (2004): nẫu: Người ta. Người nẫu (tiếng ở vùng Bình Định).

Tóm lại, từ đầu nậu có khả năng xuất hiện khoảng nửa cuối thế kỷ 18 (qua Đại Nam thực lục), dùng để chỉ người đứng đầu một nhóm cùng nghề; còn nẫu là từ trại của nậu ấy (chỉ cá nhân hoặc nhóm người), từ này không liên quan gì với từ nẫu có nghĩa là chín rục (trái nẫu); nóng bức (nẫu nực hay nẫu ruột nẫu gan); xót xa, đau lòng (trong nẫu nà): Nghẹn ngùng chữ phận, nẫu nà chữ duyên (Sơ kính tân trang của Phạm Thái).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.