Thiệt hại 7 tỉ USD, du lịch làm gì để vượt khó ?

16/02/2020 07:40 GMT+7

Bị ảnh hưởng nặng nhất, ước tính có thể thiệt hại lên tới 7 tỉ USD trong 3 tháng tới do tác động của dịch viêm phổi cấp Covid-19, vấn đề "hồi sức" của ngành du lịch được đặt ngay ra từ "tâm bão".

Thiệt hại không chỉ 7 tỉ USD

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 3 tháng tới, ước tính thiệt hại của ngành du lịch sẽ vào khoảng 5,9 - 7 tỉ USD do dịch Covid-19 gây ra. Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Lê Hoài Chung cho biết đây là thiệt hại dựa trên cơ sở nhiều tác động trước mắt, như: Trung Quốc đã hạn chế công dân đi ra nước ngoài; Việt Nam không đưa, đón khách từ vùng dịch, tạm dừng các lễ hội, hoạt động tại một số khu di tích, danh lam thắng cảnh; các thị trường quốc tế khác đang e ngại đến khu vực châu Á; người dân trong nước hạn chế đi du lịch.
Khách quốc tế thư giãn trên bãi biển Nha Trang ngày 15.2 Ảnh: Nguyễn Chung

Khách quốc tế thư giãn trên bãi biển Nha Trang ngày 15.2

Ảnh: Nguyễn Chung

Tuy nhiên theo nhiều doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch, con số thiệt hại ước tính của Tổng cục Du lịch chủ yếu dựa trên những dự báo về số liệu thiếu hụt khách, nhân với mức chi tiêu bình quân, chưa tính đến thiệt hại từ việc “kiệt sức” của các DN. Trong khi đó, đối tượng chịu tác động mạnh nhất, lớn nhất hiện nay chính là các DN lữ hành, các công ty đầu tư hệ thống hạ tầng du lịch (cơ sở lưu trú như hệ thống resort - khách sạn, hệ thống dịch vụ nhà hàng, khu vui chơi giải trí...).
Giám đốc đối ngoại của một tập đoàn du lịch lớn trong nước than thở, từ ngày đi làm sau tết đến giờ ở tập đoàn này chỉ họp về vấn đề tiết giảm chi phí và cắt giảm nhân lực. Khách giảm quá nhanh, quá lớn khiến doanh thu tụt dốc thê thảm, không đủ để vận hành bộ máy. "DN như chúng tôi mong được hỗ trợ bằng các chính sách cụ thể chứ kéo dài thế này thì rất khó cầm cự. Tiết kiệm đến đâu thì cũng không thể gồng gánh được chi phí lãi vay, không có khách cũng đâu thể bỏ mặc hệ thống không bảo quản, chăm sóc", người này nói và cho biết, tập đoàn đã chốt cắt giảm hơn 50% sản lượng xây dựng trong năm nay. Đó cũng là tình cảnh tất cả các DN phát triển du lịch nói chung hiện nay.
Một số DN lữ hành lớn tại TP.HCM cho biết số tiền thiệt hại chỉ sau 1 tháng bùng nổ dịch bệnh đã lên tới 40 - 50 tỉ đồng. Chưa kể việc phải đền bù, đóng phạt cho đối tác nước ngoài trong trường hợp khách đòi hủy tour mà không thương lượng được. Hàng loạt công ty buộc phải thực hiện các chính sách cắt giảm nhân sự, điều chỉnh mức lương đối với cán bộ, công nhân viên tại công ty, giật gấu vá vai cố “sống sót” qua mùa dịch. Rất nhiều hàng quán, nhà hàng, khách sạn nhỏ tại các điểm nóng du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc đã phải thông báo đóng cửa.
“Du lịch là tác động đa ngành, phát triển mạnh thì có thể kéo theo rất nhiều ngành nghề khác đi lên. Ngược lại, du lịch “hắt hơi” thì các lĩnh vực khác “sổ mũi” theo. Tất cả những thiệt hại này không thể đo đếm nổi và chắc chắn vượt hơn nhiều con số 7 tỉ USD mà Tổng cục Du lịch ước tính”, giám đốc một DN lữ hành lớn tại TP.HCM nhận định.

"Thuốc mồi" kéo du khách trở lại

Kích cầu là giải pháp mà chính quyền các điểm đến đang hướng tới. Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND H.Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), cho biết trước tác động quá lớn của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế của Phú Quốc, bên cạnh việc theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn làm việc cụ thể với các tập đoàn, DN, các khu nghỉ dưỡng cao cấp lớn để có chính sách ưu đãi, khuyến khích, kích cầu du lịch.
“Mùa cao điểm tết bất động vì dịch bệnh thì phải dồn lực để đẩy mùa cao điểm hè, khi dịch bệnh được đẩy lùi và ngành du lịch cả nước tạm ổn định trở lại. Xác định như vậy, ngay từ bây giờ, UBND H.Phú Quốc đã chuẩn bị sẵn kế hoạch khuyến khích các DN lữ hành vẫn tiếp tục tổ chức tốt các tour du lịch cho thị trường khách Tây Âu, châu Mỹ, Hàn Quốc... Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để du khách thấy và tin Phú Quốc vẫn là điểm đến an toàn. Đồng thời, chúng tôi sẽ làm việc, kết nối tất cả các DN trong lĩnh vực du lịch, từ lữ hành, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí cho tới vận chuyển đường bộ, hàng không... làm sao giảm giá tối đa dịch vụ, kích cầu, thu hút du khách quay trở lại sau mùa dịch bệnh”, ông Hưng thông tin.
Theo ông Hưng, năm 2020, Phú Quốc đặt mục tiêu đón 3 triệu khách du lịch, trong đó có 1 triệu khách quốc tế và thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 30%. Bình quân, mỗi ngày Phú Quốc đón hơn 800.000 lượt du khách.
Tuy nhiên theo thống kê, trong 14 ngày đầu tháng 2, giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất, lượng khách tới Phú Quốc giảm 22 - 25%, kéo theo doanh thu các cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí giảm tương ứng. Dự kiến tới 29.3, huyện đảo này sẽ thiệt hại hơn 520 chuyến bay, mất hàng trăm ngàn khách.
Chuyên gia du lịch Lã Quốc Khánh đánh giá việc kích cầu, xây dựng các tour trọn gói giá rẻ cho du khách sau dịch bệnh là bước đi cần thiết và hiệu quả. Dự báo, dịch bệnh có thể kéo dài đến tháng 3. Nếu có thể kiểm soát được, các dịp lễ 30.4 - 1.5 và cao điểm hè sau đó sẽ là thời gian người dân, du khách nghĩ đến chuyện đi du lịch trở lại. “Sau thời gian ảnh hưởng tâm lý và cả kinh tế do dịch bệnh kéo dài, các combo tour giá hợp lý tại tất cả các địa phương sẽ là “thuốc mồi” hiệu quả kéo du khách trở lại với các hoạt động vui chơi, du lịch, khôi phục thị trường nội địa trước, sau đó dần lấn tới thị trường outbound và inbound”, ông Khánh nhìn nhận.

Quảng bá Việt Nam - Điểm đến an toàn

Từ khi dịch bệnh Covid-19 chính thức bùng nổ và lan rộng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đã 2 lần gửi thư tới bạn bè và đối tác quốc tế của ngành du lịch, thông báo về việc ngành du lịch Việt Nam đang chủ động kiểm soát những tác động của dịch bệnh và các điểm du lịch tại Việt Nam vẫn hoạt động bình thường.
“Hiện nay, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc và một số quốc gia, nhưng Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình, không để xảy ra tình trạng lây lan trong cộng đồng. Các giải pháp chữa trị, phòng ngừa đã phát huy hiệu quả cao. Đến nay, Việt Nam đã chữa khỏi cho 7/16 trường hợp nhiễm. Các biện pháp phòng chống dịch của Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá cao”, ông Khánh khẳng định trong thư trấn an du khách quốc tế.
Ông Lý Xương Căn, Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc, nhấn mạnh thư chính thức của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch được gửi đi rất kịp thời bởi mỗi ngày Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở Hàn Quốc tiếp nhận tới 500 câu hỏi tìm hiểu về tình hình và công tác phòng chống dịch ở Việt Nam, thể hiện sự quan tâm lớn đến du lịch nước ta. Do đó, việc để bạn bè trên khắp thế giới an tâm, quảng bá hình ảnh VN là điểm đến an toàn, kiểm soát tốt dịch bệnh là điều rất quan trọng, giúp thu hút khách quay trở lại sau mùa dịch bệnh.
Đây cũng là cách mà Đà Nẵng lựa chọn để quảng bá hình ảnh TP đáng sống. Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, nhận định: “Tuy có rất nhiều du khách Trung Quốc, là điểm nóng du lịch của cả nước nhưng tính đến nay, Đà Nẵng vẫn chưa phát hiện ca nhiễm Covid-19 nào. Đây là kết quả rất tốt, có thể trở thành lợi thế để xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt du khách. Cùng với đó, những hình ảnh du khách thoải mái nằm tắm nắng, tận hưởng các bãi biển trong chuyến du lịch đến Đà Nẵng trong mùa dịch liên tục được cập nhật trên trang web chính thức của Sở cũng như các phương tiện truyền thông, giúp du khách càng thêm yên tâm và sẵn sàng lựa chọn nơi đây là điểm đến sau khi dịch bệnh được đẩy lùi, thậm chí ngay cả trong mùa dịch”.

Hiến kế vực lại ngành du lịch

Ngành du lịch nên tổ chức một diễn đàn trực tuyến, lấy ý kiến đóng góp, khuyến khích tất cả mọi đối tượng trong xã hội hiến kế cùng ngành vực lại du lịch sau dịch bệnh. Về lâu dài, cần thiết tổ chức hội thảo bàn giải pháp làm thế nào để quản lý khủng hoảng khi xảy ra các sự kiện như thế này.
Cần tìm ra một công thức chung cho ngành du lịch, nằm trong cả hệ thống xử lý khủng hoảng: Nếu xảy ra sự cố, DN phải làm gì, chính quyền địa phương, quản lý ngành thế nào, bên y tế, công thương sẽ làm gì, đưa ra các chính sách giá như thế nào cho phù hợp...
Khi lên sẵn được một công thức chung làm nền, sẽ không còn tình trạng bị động, lao đao, đầu cơ giá... các bên sẽ phối hợp nhuần nhuyễn và ứng phó với các sự cố về du lịch tốt hơn. Ông Lã Quốc Khánh, chuyên gia về du lịch 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.