Dấu ấn không phai
Kịch nước ngoài đã để lại những điểm son rực rỡ cho sân khấu TP.HCM, và cũng làm nên tên tuổi cho rất nhiều diễn viên, nghệ sĩ. Khán giả từng gắn bó với 5B ắt không thể quên Con cáo và chùm nho với màu sắc Hy Lạp cổ đại cực kỳ quyến rũ, nhưng cũng là câu chuyện đau xé lòng của nhà văn ngụ ngôn Ê dốp (Aesop). Từ vở kịch này mà bật lên cô đào Mỹ Uyên đầy cá tính. Mỹ Uyên với nhân vật nữ nô lệ da đen tỏa sáng bất ngờ, từ đó thoát khỏi vị trí đào phụ mà bước lên đào chánh. Còn cô đào xinh đẹp Minh Trang đã hớp hồn người xem với vai cô gái trong vở Gái giang hồ quốc tế, mà kỳ lạ thay, giọng Bắc của chị không hề lạc giữa không khí Sài Gòn, nó bỗng hấp dẫn và sang trọng, đưa chị hòa nhập ngay với mảnh đất phương nam. Ái Như, Khánh Hoàng thì tỏa sáng trong vở Cô Ê-lê-na thân yêu, quá duyên dáng, tinh nghịch, nhưng cũng thấm thía về chuyện học đường, thầy trò. Và Ái Như với khuôn mặt tròn ngây thơ, cùng Khánh Hoàng “đấu” nhau trên cái bàn gỗ, khán giả cười rung khán phòng.
|
Đèn không hắt bóng đã được Ái Như và Thành Hội chuyển thể từ quyển tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng của Nhật, ra mắt đầu tiên tại 5B, làm nên tên tuổi của cô đào trẻ Hoàng Trinh với nhân vật Noriko. Và hình ảnh của Tấn Thành trong vai bác sĩ Naoe hoặc Minh Trí vai bác sĩ Kobasi vẫn làm khán giả rung động dù mười mấy năm nay họ đã định cư ở nước ngoài. Một Tấn Thành hấp dẫn với vóc dáng cao lớn, nam tính, bí hiểm. Một Minh Trí trẻ măng và trong veo như Kobasi khi mới tốt nghiệp trường y, quyết bảo vệ lý tưởng của mình. Sau này, Đèn không hắt bóng được tái dựng tại Sân khấu Hoàng Thái Thanh với tên Mùa đông cuối cùng, lại góp thêm dấu ấn của cô đào Vân Anh mong manh như sương tuyết.
IDECAF cũng có hơn chục vở nước ngoài rất hay. Âm mưu và tình yêu đã thể hiện xã hội nước Đức với những tranh giành quyền lực và tình yêu bị bóp chết trong đau đớn. Khán giả nhớ mãi hình ảnh NSND Lê Khanh trong vai quận chúa Minfo, đẹp rực rỡ và sang trọng. Chị “đổi gió” với kịch phương nam, góp thêm sức quyến rũ lạ kỳ. Chuyện văn chương lại là một kiệt tác của Pháp, với đôi bạn diễn Thành Lộc - Hữu Châu duyên dáng. Hai nhân vật đầy nét châm biếm sâu cay trong vở này quả là một dấu son rất đậm, lột hết những thói vô học của cuộc đời. Khi diễn, họ tung hứng với nhau trong sự ngẫu hứng tuyệt vời. Cậu đồng cũng là một kịch bản được Việt hóa từ tác phẩm Tartuffe của Moliere, một thời ăn khách lừng lẫy. Những thói giả dối, điên đảo trong xã hội bị bóc trần bằng những tiếng cười vang cả rạp. Còn nhớ khoảng chục năm trước, Một cuộc đời bị đánh cắp đã làm nên vai diễn để đời cho nghệ sĩ trẻ Lê Khánh. Cô đào tưởng chỉ biết diễn hài, nhưng không ngờ đã gánh một vai diễn quá nặng ký, một số phận đầy bi kịch trôi qua thời cuộc nước Nhật, trôi qua cõi nhân thế đầy vàng son cám dỗ nhưng cũng đầy bất trắc, ly tan. Lê Khánh làm người ta nể phục từ đó.
Vì sao biến mất ?
Khoảng 30 năm sau 1975, kịch nước ngoài đã tạo những dấu ấn đẹp, nhưng rồi... biến mất. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn tâm sự: “Chúng tôi cũng muốn làm lại lắm. Mấy năm trước, Trong hào quang bóng tối đã lên sàn tập. Nhưng rồi nghệ sĩ quá bận rộn, thế là bỏ. Kịch nước ngoài phải tập nghiêm túc, cẩn thận từng lời thoại, nghiên cứu tính cách nhân vật kỹ lưỡng, lột tả được đặc tính của xứ sở đó, nếu diễn được thì nghệ sĩ bay lên luôn, giỏi nghề vô cùng. Nhưng bây giờ nghệ sĩ ít kiên trì hơn xưa, họ thường muốn diễn cái gì dễ dễ, có hào quang nhanh nhanh, nên họ không muốn nhận lời với mình”. Bà bầu Ái Như tâm tư: “Khán giả bây giờ cũng là một ẩn số. Tôi nghĩ rằng những thứ giải trí dễ dãi đã tập cho đa số khán giả có thói quen thưởng thức dễ dãi. Họ thích cái gì xem là hiểu liền, cười liền, hơn là những gì phải nghiền ngẫm, suy nghĩ. Chúng tôi đã dựng kịch nước ngoài, khó bán vé quá, đành buông tay”.
Theo NSND Lê Khanh: “Kịch nước ngoài đã được chọn lọc qua nhiều thế hệ, chắc chắn đó là những tác phẩm tốt, có thể gọi là kinh điển. Mỗi tác phẩm có nhiều giá trị, trong đó giá trị ngôn ngữ rất đáng kể, nó tạo cho người ta khả năng văn học rất tốt. Và những vấn đề mà kịch nước ngoài đề cập thường là vượt thời gian, chuyện cả trăm năm trước đến bây giờ xem lại vẫn thấy nhân loại cần học tập, cảnh giác”.
Kịch nước ngoài rất cần được xuất hiện, và người đỡ đầu cho nó không ai khác hơn nhà nước. Cần có kế hoạch mỗi năm đầu tư cho một vở, và hỗ trợ vé cho lớp trẻ đi xem, coi như một phương án giáo dục thẩm mỹ văn học.
Bình luận (0)