Trong đêm giao lưu được tổ chức tại Nhà kèn Hải Phòng, nơi được cho là Lưu Quang Vũ từng có nhiều kỷ niệm trong thời gian đóng quân và hoạt động văn nghệ tại thành phố cảng, có mặt nhiều người là bạn bè và diễn viên từng thủ vai trong kịch Lưu Quang Vũ cùng hàng trăm người hâm mộ Hải Phòng.
Đó là đạo diễn phim tài liệu - NSND Nguyễn Thước, NSƯT Trần Tường, NSƯT Ngọc Hiền, nhạc sĩ Duy Thái (đều nguyên là diễn viên Đoàn Kịch nói Hải Phòng), cùng một số văn nghệ sĩ đất cảng và các học sinh chuyên văn Trường THPT Năng khiếu Trần Phú, Hải Phòng.
Shakespeare có khi cũng không bằng
Trong buổi giao lưu, sau 27 phút phim tư liệu về Lưu Quang Vũ của NSND Nguyễn Thước, tác giả bộ phim, người đã có nhiều kỷ niệm với Lưu Quang Vũ, chia sẻ: “Kịch Lưu Quang Vũ đắt hàng đến mức có khi anh đang ngồi viết kịch bản trên nhà thì anh em các đoàn kịch đã ngồi ở quán nước dưới đường để đợi mang về. Không chỉ là một tài năng lớn trong thơ ca và sân khấu, Lưu Quang Vũ còn là một người có khả năng làm việc siêu phàm”.
|
NSƯT Trần Tường, nguyên diễn viên Đoàn Kịch Hải Phòng, thì kể lại những kỷ niệm với Lưu Quang Vũ từ ngày kịch tác gia còn sống, cho đến lần gặp cuối cùng, đúng ngày Lưu Quang Vũ từ trần như một định mệnh, khi gặp tai nạn trên đường từ Hải Phòng trở về Hà Nội.
Theo ông Trần Tường, từ năm 1980 với vở Sống mãi tuổi 17 đến khi ra đi năm 1988 với chỉ 40 tuổi đời, Lưu Quang Vũ đã có tới 60 vở diễn cả kịch nói lẫn chèo, cải lương và được biểu diễn liên tục khắp cả nước, vở nào, đến đâu cũng được công chúng đón nhận nồng nhiệt.
“Riêng chuyện này thì không nói ở Việt Nam mà cả thế giới có lẽ chưa từng có, Shakespeare (kịch tác gia nổi tiếng thế giới người Anh - PV) có khi cũng không bằng”, ông Tường nói.
“Những năm đó, Đoàn Kịch nói Hải Phòng của chúng tôi đã đi từ Bắc vào Nam, một ngày diễn 3 suất suốt hàng tháng trời, toàn kịch Lưu Quang Vũ. Đó là các vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Ông không phải là bố tôi, Vụ án 2.000 ngày (còn gọi là Trái tim trong trắng)…
Có buổi diễn ở Hà Nội, khán giả vỗ tay vang dậy suốt một phút, anh em chúng tôi phải bảo nhau tạm dừng diễn để lời thoại không bị nhòe. Nhiều lần sau một vở diễn, Lưu Quang Vũ lại ôm chầm lấy các diễn viên, bảo cảm ơn các bạn, khán giả vỗ tay như thế là thành công rồi, thành công rồi. Nhờ có kịch Lưu Quang Vũ, nghệ sĩ chúng tôi cũng khá giả dần lên, từ đi xe đạp, chúng tôi đã mua được xe máy”, NSƯT Trần Tường kể trong xúc động.
|
Hừng hực khát vọng hiến dâng
NSƯT Ngọc Hiền, người từng đóng vai bà mẹ trong Ông không phải là bố tôi của Lưu Quang Vũ, thì kể lại những kỷ niệm của bà với Lưu Quang Vũ, từ khi nhà thơ, kịch tác gia còn làm phóng viên Tạp chí Sân khấu và xuống Hải Phòng để viết bài giới thiệu chân dung nghệ sĩ, khoảng năm 1972.
Trong lời kể của bà Hiền, Lưu Quang Vũ thường đeo một cái túi dết dài quá thắt lưng. Trong khi Xuân Quỳnh hay pha trò cho mọi người cùng vui thì Lưu Quang Vũ luôn ân cần, chân thành và sâu sắc.
“Tôi là diễn viên Đoàn Kịch nói Hải Phòng, nhưng lại là người Hà Nội nên thường là người giao dịch giữa đoàn kịch với gia đình Lưu Quang Vũ và trở thành bạn bè. Tôi cũng ngạc nhiên là kịch Lưu Quang Vũ đắt khách như vậy, nhưng không hiểu sao nhà họ vẫn nghèo, có lẽ cơ chế nhuận bút khi đó chưa được ổn. Tôi nhớ nhiều lần đến nhà thì đều thấy Xuân Quỳnh đang rang lạc, chị ấy gọi đó là món lạc rang cứu đói”.
|
Bà Thúy nói: “Thành phố cửa biển Hải Phòng là nơi lưu giữ những ký ức trong trẻo và nhiệt thành của nhà thơ trong những ngày đầu chập chững bước vào quân ngũ, lòng hừng hực tình yêu đất nước và khát vọng hiến dâng khi ông nhập ngũ lúc chỉ vừa tròn 17 tuổi.
Đất cảng cũng là nơi chốn đi về của Lưu Quang Vũ trong những năm cuối đời, khi tài năng của ông nở rộ, chín muồi và nhiều tác phẩm sân khấu của ông lần đầu khi ra mắt khán giả là ở các nhà hát Hải Phòng chật kín người hâm mộ. Đến ngày cuối cùng của cuộc đời mình, Lưu Quang Vũ cũng vẫn dành thời gian làm việc với Đoàn Kịch nói Hải Phòng.
Hơn ba mươi năm đã qua, nhưng hình ảnh về một người nghệ sĩ tài hoa mà vẫn hết mực giản dị, khiêm nhường, đối xử thân ái, chân thành với đồng nghiệp và khán giả vẫn còn đọng lại trong ký ức nhiều văn nghệ sĩ Hải Phòng cũng như người dân đất cảng”.
Đêm giao lưu đã khép lại, nhưng với nhiều người Hải Phòng, những câu chuyện về cặp vợ chồng tài danh Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh mà họ nghe tối 17.4 sẽ còn được nhớ mãi.
“Chỉ hơi tiếc là cuộc giao lưu đã không có mặt nhiều hơn các nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch cũng như những người hoạt động sân khấu ở Hải Phòng”, ông L., một người dân Hải Phòng yêu văn học nghệ thuật có mặt trong đêm giao lưu, nói.
Đêm giao lưu thơ nhạc Se sẽ chứ Hải Phòng - Từ cửa biển nằm trong chuỗi sự kiện Se sẽ chứ năm 2021, diễn ra từ 12 - 18.4 tại Hà Nội, Hải Phòng, Hội An (Quảng Nam) và TP.HCM, để tôn vinh hai nghệ sĩ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ.
Đây là dự án được khởi xướng bởi đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. Tại Hải Phòng, hoạt động này có sự phối hợp của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hải Phòng.
Trước đó, trong ngày 17.4, tại Hải Phòng đã diễn ra hoạt động trưng bày tác phẩm, tọa đàm về thơ Lưu Quang Vũ. Chiều nay, 18.4, cũng tại Hải Phòng, sẽ diễn ra buổi giao lưu giữa độc giả trẻ Hải Phòng với thơ Lưu Quang Vũ.
|
Bình luận (0)