Rủi ro cho tính mạng và tài sản ngư dân các nước
Theo các đại biểu, nhiều vụ đụng độ đáng tiếc giữa các lực lượng chấp pháp của các nước láng giềng, nhất là tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước ven biển đã xảy ra ở Biển Đông trong thời gian qua. Một số hoạt động nghiên cứu khoa học biển, khai thác tài nguyên của các nước trên vùng biển nước mình của các quốc gia ven biển cũng thường bị quấy nhiễu. Nguy cơ xảy ra đụng độ trên biển thời gian tới ngày càng lớn do cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng. Do vậy, các học giả đã khuyến nghị những biện pháp phòng tránh đụng độ, giảm thiểu rủi ro. Trong đó, đặc biệt là tuân thủ Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982, tham gia chấp hành các điều ước, thỏa thuận quốc tế nhằm giảm thiểu rủi ro....
Từ năm 2016, Trung Quốc và ASEAN đã ra tuyên bố chung về Quy tắc phòng tránh đụng độ trên biển (CUES). Tuy nhiên, CUES đến nay vẫn là bộ quy tắc tự nguyện và chỉ áp dụng cho các lực lượng hải quân. Do vậy, một học giả Úc đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng CUES cho cả các lực lượng cảnh sát biển, chấp pháp dân sự trên biển.
Một vấn đề nóng bỏng được đề cập trong chủ đề phòng tránh đụng độ trên biển là dự luật Hải cảnh mới của Trung Quốc, trong đó có thể có quy định cho phép lực lượng này sử dụng vũ khí nhằm vào tàu nước ngoài ở các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Dự luật này khiến các nước xung quanh Biển Đông đặc biệt lo ngại rằng Trung Quốc dựa vào luật trên sẽ đe dọa tính mạng và tài sản của ngư dân các nước, gây cản trở tự do hàng hải ở Biển Đông.
Đại biểu Trung Quốc tham gia hội thảo biện minh rằng đây là “vấn đề nội bộ của Trung Quốc”. Tuy nhiên, giới học giả quốc tế tham gia hội thảo vẫn nhấn mạnh sự lo lắng khi Bắc Kinh không làm rõ định nghĩa khu vực biển có thể áp dụng dự luật trên. Thêm vào đó, hải cảnh Trung Quốc thời gian qua đã có những hành vi gây rối, tấn công tàu thuyền của ngư dân các nước.
Trong các vấn đề đánh bắt cá, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, và phát triển kinh tế biển bền vững, các đại biểu tham dự cũng cho rằng đây là những lĩnh vực cần được các nước quan tâm. Theo đó, đây là các lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng, có hiệu quả thực tiễn, cho thấy thiện chí hợp tác của các nước nhằm làm giảm căng thẳng, góp phần xây dựng lòng tin lẫn nhau.
Canada kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế
Đáng chú ý, hội thảo năm nay có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan và chuẩn đô đốc Juergen Ehle, Cố vấn cao cấp của Cơ quan đối ngoại Liên minh Châu Âu (EEAS). Bộ trưởng Harjit Sajjan nhấn mạnh Canada là đối tác đối thoại của ASEAN trong hơn 40 năm qua và hết sức coi trọng vai trò của ASEAN trong các cơ chế đa phương ở khu vực.
Canada nhất trí với ASEAN trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Canada kêu gọi tất cả các nước tuân thủ UNCLOS và phản đối các hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng khu vực và phá hoại sự ổn định ở Biển Đông, phản đối sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, cải tạo đảo trên diện rộng, xây dựng đồn bốt trên các điểm tranh chấp và sử dụng chúng cho các mục đích quân sự. Canada thúc giục tất cả các bên tuân thủ cam kết phi quân sự hóa các điểm tranh chấp, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) dựa trên luật pháp quốc tế và không ảnh hưởng đến quyền lợi của các nước thứ ba.
Đô đốc Juergen Ehle đưa đến thông điệp tương tự và cho biết các nước thành viên EU cũng đang tiến tới xây dựng một cách tiếp cận thống nhất về các vấn đề chiến lược đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Không nên chỉ trông chờ COC
Trả lời Thanh Niên ngày 17.11, TS Ekaterina Koldunova, Hiệu phó Trường Quan hệ Quốc tế - Học viện Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO, Nga) - đại biểu tham dự hội thảo, đánh giá: “Trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, tình hình Biển Đông cũng như triển vọng hợp tác quốc tế cho vùng biển này, cụ thể là tiến trình đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc, đã có nhiều dấu hiệu khả quan. Tuy nhiên, Covid-19 không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực cho kinh tế các nước, mà còn khiến cuộc đàm phán COC bị đình trệ. Trong khi đó, hiện có khá nhiều thách thức đối với sự ổn định của Biển Đông. Từ tình trạng quân sự hóa các đảo nhân tạo, bãi đá.... đến việc nhiều nước đã khai thác thủy sản quá mức làm ảnh hưởng xấu đến nguồn thủy sản. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã có nhiều động thái ngăn cản các nước khác khai thác, thăm dò năng lượng ở Biển Đông dẫn đến một số diễn biến căng thẳng”.
Từ đó, TS Koldunova đề xuất: “Cộng đồng quốc tế cần cùng nhau kiềm chế, không để bên nào lợi dụng tình hình đại dịch để làm nghiêm trọng thêm vấn đề ở Biển Đông. Tất cả các cơ chế hợp tác và điều phối quốc tế hiện có ở vùng biển này phải tiếp tục được duy trì. Xa hơn, cần khôi phục sự tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông bằng cách bổ sung các công cụ pháp lý cần thiết. Đừng quá hy vọng vào COC hay một quy tắc thỏa thuận nào đó có thể đủ sức giải quyết vấn đề Biển Đông”.
Cũng trả lời Thanh Niên, GS Stein Tønnesson, Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo (Na Uy) - một đại biểu tham dự hội thảo, tỏ ra lo ngại cho tình hình hiện nay ở Biển Đông về những vấn đề sau.
Thứ nhất là các yêu sách tuyên bố chủ quyền của các bên đang bị phân cực hơn vì các yêu cầu quá mức đối với thềm lục địa mở rộng, và đáng chú ý là việc Trung Quốc phớt lờ phán quyết hồi năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế. Bắc Kinh đã cực đoan hóa tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này dựa trên những cơ sở không hề dựa trên luật Biển quốc tế. Thứ hai là tình hình căng thẳng ở phía bắc Biển Đông, cụ thể là xung quanh quần đảo Đông Sa hiện do Đài Loan kiểm soát. Thứ ba là nguồn thủy sản đang bị đánh bắt quá mức ở Biển Đông bởi thiếu sự phối hợp giữa các nước liên quan trong việc quản lý nguồn thủy sản tại đây.
Qua đó, ông cho rằng: “Các quốc gia có thể ngồi lại với nhau để cùng giải quyết vấn đề bảo vệ, duy trì nguồn thủy sản ở Biển Đông. Các bên đừng đợi hoàn tất COC, mà phải cùng hợp tác với nhau ngay từ bây giờ. Đây là điều cần thiết và rất cấp bách để đảm bảo sinh kế lâu dài cho nghề cá trong khu vực”.
Ngô Minh Trí
|
Bình luận (0)