Điểm nóng Biển Đông
Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 22.10 dẫn một nguồn tin quân sự gần gũi với Quân Giải phóng nhân dân (PLA) ở Bắc Kinh tiết lộ cuộc tập trận phóng tên lửa của nước này ở Biển Đông là lý do một máy bay Đài Loan bị từ chối vào không phận Hồng Kông trong lúc bay đến quần đảo Đông Sa hôm 15.10.
Trước đó, vào khuya 26.8, SCMP dẫn một số nguồn tin thân cận với PLA cho biết nước này đã phóng 2 tên lửa đạn đạo DF-21D và DF-26B tới Biển Đông.
|
Ngoài ra, truyền thông quốc tế từng đưa tin Bắc Kinh được cho là đã ngang nhiên triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 và tên lửa hành trình diệt hạm YJ-62 đến đảo Phú Lâm trong quần Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ vài năm qua. Hồi tháng 5.2018, Đài CNBC dẫn báo cáo của giới tình báo Mỹ cho rằng Trung Quốc đã triển khai tên lửa hành trình diệt hạm YJ-12B và hệ thống tên lửa HQ-9B trên ba bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Bên cạnh tên lửa, Trung Quốc còn ngang nhiên điều chiến đấu cơ J-10 và J-11 tới đảo Phú Lâm. Hồi tháng 8.2020, hình ảnh trên mạng xã hội dường như cho thấy ít nhất một máy bay ném bom H-6J của Trung Quốc đã hạ cánh xuống đảo Phú Lâm, theo chuyên trang The Drive. Trung Quốc cũng đã điều động máy bay cảnh báo sớm KJ-500, máy bay săn tàu ngầm KQ-200 và trực thăng chiến đấu đa nhiệm Z-8 đến bãi đá Chữ Thập, theo hình chụp ngày 3.5.2020 của nhà cung cấp hình ảnh vệ tinh ISI.
Senkaku/Điếu ngư và eo biển Đài Loan
Trung Quốc cũng đã có nhiều hoạt động quân sự xung quanh quần đảo quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Hồi tháng 1.2018, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo phát hiện một tàu ngầm Trung Quốc cùng một tàu hộ vệ đi vào vùng tiếp giáp xung quanh Senkaku/Điếu Ngư, theo AFP. Trước đó, chiến đấu cơ Trung Quốc đã nhiều lần bay gần quần đảo này.
Nếu xảy ra xung đột liên quan Senkaku/Điếu Ngư, PLA có thể sử dụng chiến đấu cơ tàng hình J-20, hệ thống tên lửa phòng không S-400 và tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21A, theo chuyên san The National Interest.
So với Senkaku/Điếu Ngư, tình hình eo biển Đài Loan dường như căng thẳng hơn. SCMP hôm 18.10 dẫn một số nguồn tin và chuyên gia tiết lộ Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự ở bờ biển phía đông nam gần đảo Đài Loan, bao gồm triển khai tên lửa bội siêu thanh DF-17. Trước đó, Cơ quan Phòng vệ Đài Loan(MND) khẳng định chiến đấu cơ Su-30 và J-10 của PLA đã bay vào vùng nhận diện phòng không của vùng lãnh thổ này trong ngày 9-10.9, theo Reuters. Trung Quốc cũng đã nhiều lần điều máy bay ném bom H-6 tuần tra gần Đài Loan.
|
Ngoài ra, SCMP đưa tin hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy xe bọc thép đổ bộ Type-05, các hệ thống tên lửa PHL-16 và PCL-191 đã được điều động đến Chiến khu miền đông vốn phụ trách khu vực eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông. Ngoài ra, theo báo cáo “Sức mạnh quân sự Trung Quốc 2012”, MND xác định Lực lượng Pháo binh - Tên lửa số 2, tiền thân của Lực lượng tên lửa ngày nay của PLA, đã triển khai tổng cộng 1.600 tên lửa bao gồm các loại DF-11, DF-15, DF-16 và DF-21 sẵn sàng tấn công Đài Loan.
Khu vực biên giới Ấn-Trung
Ngoài những điểm nóng trên, Trung Quốc đã triển khai nhiều vũ khí tiên tiến tới khu vực biên giới Ấn Độ. Mới đây, tạp chí Forbes loan tin Trung Quốc đã điều động HQ-9 đến khu vực cách nơi binh sĩ hai bên ẩu đả hồi tháng 6 chỉ khoảng 50 km. Bắc Kinh còn triển khai tên lửa phòng không tầm ngắn HQ-2 và DF-21 đến khu biên giới Ấn Độ, theo tờ Kashmir Times.
|
Ngoài ra, SCMP đưa tin các hình ảnh trên trang mạng xã hội của Chiến khu trung ương thuộc PLA cho thấy quân đội nước này đã điều ít nhất 3 máy bay ném bom H-6 và máy bay vận tải Y-20 đến Tây Tạng, gần biên giới Ấn Độ. Chưa hết, PLA còn điều chiến đấu cơ J-11 và J-16 đến khu vực.
Trước đó, Hoàn Cầu thời báo đưa tin kể từ cuộc đối đầu của binh sĩ hai nước ở khu vực cao nguyên Doklam hồi năm 2017, PLA đã triển khai xe tăng Type 15, máy bay tấn công không người lái GJ-2 và lựu pháo tiên tiến PCL-181 đến cao nguyên Tây Tạng.
Bình luận (0)