Trung Quốc tập trận phóng tên lửa ở Biển Đông, buộc máy bay Đài Loan quay đầu?

Văn Khoa
Văn Khoa
22/10/2020 07:13 GMT+7

Cuộc tập trận phóng tên lửa của Trung Quốc ở Biển Đông là lý do một máy bay Đài Loan bị từ chối vào không phận Hồng Kông trong lúc bay đến quần đảo Đông Sa hồi tuần trước.

Lý do trên do một nguồn tin quân sự gần gũi với Quân Giải phóng nhân dân (PLA) ở Bắc Kinh vừa tiết lộ, theo tờ South China Morning Post hôm nay 22.10. “Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đang tiến hành cuộc tập trận phóng tên lửa không đối không ở Nam Hải (tên Trung Quốc gọi Biển Đông) vào buổi sáng (15.10) khi máy bay Đài Loan đang bay đến quần đảo Đông Sa”, nguồn tin nói rõ. Nguồn tin cho biết thêm chiếc máy bay Đài Loan không bay được ở độ cao trên 7.900 m để được phép vào không phận Hồng Kông và bay đến Đông Sa.
Vào sáng 15.10, một máy bay ATR2-600 của hãng hàng không UNI Air (Đài Loan) bị buộc phải quay đầu khi đang chở hàng tiếp tế từ sân bay quốc tế Cao Hùng đến quần đảo Đông Sa ở Biển Đông. Quần đảo này, do Đài Loan kiểm soát, nằm cách Hồng Kông khoảng 310 km về phía đông nam và nằm trong vùng thông tin bay (FIR) Hồng Kông, theo hãng tin CNA.

Trung Quốc dọa "phản ứng" sau thông tin Mỹ sắp bán vũ khí hiện đại cho Đài Loan

CNA dẫn thông báo từ Cục hàng không dân dụng Đài Loan (CAA) cho hay khi còn cách FIR Hồng Kông từ 80-96 km, chiếc ATR2-600 bị nhân viên không lưu Hồng Kông từ chối cho vào FIR, lập luận máy bay ATR2-600 đang bay hướng về khu vực có những “hoạt động nguy hiểm” đang diễn ra.
Khi được hỏi về vụ việc trên, trưởng Cơ quan Phòng vệ Đài Loan (MND) Nghiêm Đức Phát cho hay đã kiểm tra và không phát hiện bất kỳ cuộc tập trận của Trung Quốc diễn ra ở trên không hay trên biển vào lúc đó.
Ông Nghiêm khẳng định không có gì bất thường ở khu vực, lưu ý rằng Cục Hải sự Trung Quốc không ban hành bất kỳ lệnh cấm hàng không nào, đồng nghĩa máy bay được phép bay qua khu vực miễn đáp ứng các quy định hàng không quốc tế.
“Chúng tôi hy vọng giới chức Trung Quốc sẽ tôn trọng các quy định do các tổ chức hàng không quốc tế ban hành… kiềm chế phá hủy trật tự hàng không quốc tế”, ông Nghiêm nhấn mạnh. Chưa có thông tin về phản ứng của Bắc Kinh.
Theo thông lệ, nhân viên không lưu Đài Loan thông báo cho đồng nghiệp Hồng Kông bất cứ khi nào một máy bay trong FIR Đài Bắc sắp vào FIR Hồng Kông khi còn cách xa 32-48 km. CAA cho rằng Cơ quan hàng không dân sự Hồng Kông nên ra thông báo trước nếu có nguy hiểm trên tuyến bay, nhưng không có thông báo như thế được đưa ra hôm 15.10.

[VIDEO] Vì sao căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Đài Loan?

Đến ngày 16.10, Cơ quan hàng không dân sự Hồng Kông khẳng định với CNA rằng cơ quan này đã nhận thông báo về lịch trình bay vào FIR Hồng Kông của chiếc ATR2-600 và nhắc nhở các nhân viên kiểm soát không lưu Đài Loan là chiếc ATR2-600 phải bay ở trên độ cao an toàn tối thiểu.
Do Trung tâm kiểm soát không lưu Đài Loan đề nghị Cơ quan hàng không dân sự Hồng Kông hủy yêu cầu cho chiếc ATR2-600 bay vào FIR Hồng Kông nên cơ quan này xử lý tình huống theo quy định, theo CNA dẫn thông báo từ Cơ quan hàng không dân sự Hồng Kông.
Đến tối cùng ngày, CAA công bố đoạn ghi âm về cuộc liên lạc giữa các nhân viên kiểm soát không lưu Đài Loan và Hồng Kông, bác bỏ lập luận của Cơ quan hàng không dân sự Hồng Kông rằng chiếc ATR2-600 tự nguyện bỏ kế hoạch bay nói trên. CAA còn khẳng định chính phía Hồng Kông không cho phép ATR2-600 tiếp tục bay đến quần đảo Đông Sa ở Biển Đông, theo CNA.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.