Kiểm soát rủi ro từ AI, đừng chậm trễ!

20/03/2024 04:15 GMT+7

Theo tờ Bangkok Post, Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng của Hạ viện Thái Lan đang xem xét soạn thảo một dự luật nhằm giải quyết vấn đề trí tuệ nhân tạo. Hội đồng Người tiêu dùng Thái Lan (TCC) cũng đã kêu gọi chính phủ nước này thay đổi Đạo luật Bảo vệ người tiêu dùng để phù hợp với các xu hướng công nghệ đang phát triển, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI)...

Liên quan việc kiểm soát AI, các nhà lập pháp của Liên minh Châu Âu (EU) hồi tuần trước cũng đã thông qua bước cuối cùng của luật kiểm soát AI. Dự kiến có hiệu lực từ tháng 5 hoặc tháng 6 tới, đạo luật AI của EU trước nhất hướng đến bảo vệ người tiêu dùng nhằm kiểm soát những rủi ro có thể xảy đến.

Cuối năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã ký một sắc lệnh hành pháp sâu rộng về AI, dự kiến sẽ phối hợp cùng các nền tảng luật pháp toàn cầu về AI. Ở cấp thấp hơn, các nhà lập pháp của nhiều bang tại Mỹ đang nghiên cứu luật AI của riêng tiểu bang. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thì đề xuất Sáng kiến quản trị AI toàn cầu. Hay Brazil, Nhật Bản, cũng như các tổ chức như LHQ và G7 đang tiến hành xây dựng các luật về AI.

Những động thái đó cho thấy chính quyền nhiều nước đang thúc đẩy việc sửa đổi, ban hành các quy định để kịp thời kiểm soát những rủi ro từ AI. Song hành sự phát triển bùng nổ với những lợi ích và ảnh hưởng sâu rộng đến nhân loại, AI thực tế cũng ẩn chứa không ít rủi ro đã được cảnh báo. Với sự bùng nổ hiện nay, AI được dự báo sẽ sớm hiện diện và tác động sâu sắc đến hầu hết hoạt động.

Trong khi đó, VN đã có không ít bài học về việc chậm trễ điều chỉnh những quy định, luật pháp phù hợp với sự bùng nổ của ứng dụng công nghệ. Điển hình, chúng ta đã mất không ít thời gian loay hoay kiểm soát, thu thuế các nền tảng xuyên quốc gia, và xa hơn là cả những người kinh doanh để thu lợi lớn thông qua những nền tảng này.

Với những gì đang diễn ra, AI có lẽ còn tạo ra ảnh hưởng và sự thay đổi lớn hơn rất nhiều so với các bước tiến công nghệ trước đây. Không những vậy, AI còn ẩn chứa nhiều rủi ro về sai lệch thông tin, thao túng dư luận, bản quyền…

Chính vì thế, nếu chậm trễ ban hành các quy định, điều chỉnh luật pháp cho phù hợp thì VN có thể sớm đối mặt nhiều vấn đề liên quan AI. Hơn nữa, việc thiếu một khuôn khổ pháp lý phù hợp còn có thể dẫn đến sự phát triển AI sai lệch, dẫn đến khó cạnh tranh với các nước trong việc theo kịp xu thế công nghệ để phát triển kinh tế. Đã vạch rõ AI là một trong những trọng tâm chiến lược phát triển trong thời gian tới, thì VN càng cần sớm có khuôn khổ pháp lý phù hợp.

Với những bài học thực tế, chúng ta đừng để "mất bò mới lo làm chuồng". Với sự bùng nổ đến mức không thể tưởng tượng của AI, càng chậm cập nhật quy định pháp luật tương xứng, hệ quả càng khó lường. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.