Cần có kịch bản ứng phó hạn mặn

PGS-TS Lê Anh Tuấn
(Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH, Trường ĐH Cần Thơ)
19/03/2024 04:26 GMT+7

Đến hẹn lại lên, cao điểm mùa khô từ tháng 2 đến tháng 4 hằng năm lại là vấn nạn thiếu nước ngọt, nắng nóng, sông rạch cạn nước, đất đai nứt nẻ và xâm nhập mặn lấn sâu vào vùng ven biển châu thổ Cửu Long.

Đây không phải là vấn đề mới của vùng đất này, bởi hàng trăm năm nay người dân ven biển miền Tây đã quá quen với tình trạng như vậy. Nhưng trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng; sự xuất hiện có chu kỳ của hiện tượng El Nino; sự suy giảm lưu lượng dòng chảy từ đầu nguồn sông Mê Kông với các công trình thủy điện, dự án chuyển nước; tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn đang ngày càng nặng nề, khó giải quyết và tốn kém hơn.

Mới tuần trước, ngày 12.3, giữa lúc nắng nóng kéo dài, triều cường đã khiến nhiều khu vực đô thị ĐBSCL xảy ra ngập giữa mùa khô. Nước mặn theo thủy triều lấn sâu vào các cửa sông cũng được ghi nhận ở miền Đông Nam bộ, đặc biệt là TP.HCM, đe dọa nguồn cung cấp nước sạch cho hàng triệu người dân. Điều đó cho thấy hạn mặn và những tác động bất thường của thời tiết ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lẫn sinh hoạt của người dân ĐBSCL và nhiều tỉnh thành phía nam.

Nguyên do của hạn mặn đã được chỉ rõ, nhưng để tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho vấn đề này là trọng trách của quy hoạch phát triển vùng, cũng như các quyết sách đầu tư. Trong đó bao gồm cả biện pháp công trình hay phi công trình, lồng ghép những cân nhắc hài hòa, bền vững xét trên các khía cạnh phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và ổn định xã hội.

Điểm mấu chốt của các giải pháp là cần phải có đủ một lượng nước ngọt tối thiểu cho các nhu cầu sử dụng cơ bản trong giai đoạn mùa khô, nhất là nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân. Nước ngọt có thể lưu trữ ở mức cao nhất ở các vùng trũng như tứ giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười. Các vùng bảo tồn đất ngập nước kết hợp với sử dụng và cải tạo các ao đìa, sông rạch và kênh mương hiện hữu để trữ nước vào cuối mùa mưa, mùa lũ.

Các biện pháp dùng vật trữ nước, túi chứa nước trong dân hiện đang phát huy hiệu quả ở vùng ven biển ĐBSCL. Ngay trong các hộ dân cũng cần có những chính sách sử dụng nguồn nước vào mùa khô theo một trật tự ưu tiên cho sinh hoạt gia đình, cho chăn nuôi, trồng trọt... Đặc biệt là các biện pháp dự báo và điều chỉnh kịp thời mùa màng, thời vụ sẽ tiết kiệm nguồn nước và hạn chế các thiệt hại cho cây trồng. Song song đó là những biện pháp khoa học và công nghệ nhằm tiết kiệm nước hoặc tìm ra những giống cây trồng ít tiêu thụ nước. Việc thử nghiệm bổ cập nhân tạo nước ngầm cần xúc tiến càng sớm càng tốt, vừa giảm lún sụt vừa tạo nguồn nước ngầm dự trữ cho mùa khô…

Nhớ lại năm 2016, khô hạn lịch sử gần 100 năm mới xảy ra một lần đã khiến ĐBSCL thiệt hại nặng nề. Nhưng chính "cú sốc" đó cũng đã để lại cho khu vực này rất nhiều bài học. Năm 2024, hạn mặn cũng nghiêm trọng lặp lại nhưng xét trên tổng thể, thiệt hại đã giảm đi đáng kể. Điều đó chứng tỏ các địa phương đã biết cách ứng phó tốt hơn.

Dù vậy, BĐKH chắc chắn sẽ ngày càng phức tạp, khó lường hơn, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp, những kịch bản luôn đi trước một bước, chủ động ứng phó và tránh những thiệt hại mà chúng ta hoàn toàn có thể "né" được. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.