Hai nguyên tắc còn lại là bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo và minh bạch đối với xã hội, suy cho cùng cũng là để bổ trợ cho cái trục "công bằng". Những bản quy chế tuyển sinh được ban hành các năm trước đây tuy không nói rõ ra, nhưng nội dung đều nhằm đảm bảo công bằng trong tổ chức tuyển sinh.
Trên thực tế, những ồn ào của dư luận xã hội xoay quanh hoạt động tuyển sinh đại học (ĐH) hằng năm vẫn chỉ xuất phát từ mối lo thiếu sự công bằng trong xét tuyển. Vì vậy, công bằng đối với thí sinh (TS) trong tuyển sinh dường như luôn là "một nhiệm vụ chính trị" mà năm nào lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng canh cánh, hội nghị tuyển sinh năm nào cũng nhấn mạnh thông điệp "công bằng" trong những phát biểu chỉ đạo.
Đó hoàn toàn không phải là một nội dung chỉ đạo có tính "phòng ngừa", bởi thực tế nhiều năm cho thấy nhiều trường ĐH đã đặt ưu tiên hàng đầu cho việc tuyển sinh đủ chỉ tiêu mà sẵn sàng "hy sinh" tiêu chí công bằng. Theo đó, một giải pháp các trường thường sử dụng là tuyển sinh sớm. Những năm gần đây, năm nào Bộ GD-ĐT cũng đều phải cảnh báo về hiện tượng tuyển sinh sớm, chỉ đạo các trường không được yêu cầu TS nhập học sớm, vì điều đó sẽ ảnh hưởng tới quyền lựa chọn của các em.
Trong hội nghị tuyển sinh ĐH năm nay, một lần nữa lãnh đạo Bộ GD-ĐT, mà đại diện là Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, lại tiếp tục cảnh tỉnh các trường ĐH về ý thức trách nhiệm đảm bảo sự công bằng cho hệ thống trong công tác xét tuyển. Thậm chí, ông Sơn còn nhận định sự thiếu công bằng vì xét tuyển sớm là "hiện trạng nhức nhối" trong một vài năm qua, không chỉ ở một trường mà rất nhiều trường. Theo ông Sơn, sở dĩ nó thiếu công bằng bởi các trường đều bị khống chế về chỉ tiêu, trong khi vì xét tuyển sớm mà các trường buộc phải tuyển thực vượt chỉ tiêu rất nhiều do không xác định được số ảo, sau đó lại phải trừ đi chỉ tiêu của các phương thức khác.
Với phân tích của ông Sơn, chúng ta có thể hình dung cơ chế tuyển sinh sớm mà nhiều trường thực hiện nhiều năm gần đây giống như một ngôi nhà có nhiều cửa vào, mà độ rộng hẹp của các khung cửa không có căn cứ khoa học hay thực tiễn nào. Thậm chí, ở phía tập trung phần lớn TS (xét tuyển dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT) thì khung cửa bị đóng hẹp lại một cách vô lý do lỡ mở các cánh cửa khác (xét tuyển sớm) quá rộng.
Đành rằng các trường ĐH có quyền tự chủ tuyển sinh, được tự quyết định phương thức tuyển sinh, nhưng các quyết định đó cần dựa trên cơ sở pháp luật. Khoản 3 điều 34 luật Giáo dục ĐH đã quy định Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành quy chế tuyển sinh.
Như trên đã nêu, quy chế tuyển sinh đã đặt ra nguyên tắc cơ bản số một trong tuyển sinh ĐH là công bằng với TS. Vì thế, dẫu được tự chủ, nguyên tắc đầu tiên mà các trường ĐH phải tuân thủ, đó là công bằng với TS.
Bình luận (0)