Kiểm tra định kỳ tập trung gây áp lực cho học sinh

11/11/2022 08:05 GMT+7

Học sinh phổ thông đang bước vào đợt kiểm tra đánh giá giữa kỳ . Không biết từ bao giờ mà 'đánh giá giữa kỳ' thường được gọi là 'thi giữa kỳ' khiến học sinh và giáo viên đều nặng nề.

Vẫn sẽ còn dạy, học chỉ để thi

Tinh thần đổi mới kiểm tra, đánh giá từ nhiều năm nay là đánh giá gắn liền với giảng dạy, để đánh giá thực sự là một khâu của quá trình giáo dục, cung cấp thông tin để điều chỉnh phương pháp dạy học chứ không chỉ “xác nhận kết quả học tập của học sinh”. Chính vì vậy, giáo viên (GV) được trao quyền để đánh giá học sinh (HS) ngay trong quá trình giảng dạy và cả các đánh giá định kỳ.

Các kỳ thi đánh giá tập trung luôn tạo áp lực lớn cho học sinh. Vì thế có cần thiết tổ chức thi giữa kỳ tập trung?

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Ấy vậy mà đến năm thứ ba chính thức thực hiện chương trình giáo dục 2018 nhưng không ít phòng GD-ĐT vẫn tổ chức thi giữa kỳ bằng đề thi chung cho cả huyện/quận. Xét trên bình diện chức năng, nhiệm vụ của một đơn vị quản lý và ý nghĩa của hoạt động giáo dục, thì đây là hoạt động quản lý không cần thiết, có phần lạm quyền trong bối cảnh này.

Hiện nay, quy định đối với đánh giá ở trường trung học (theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT) thì điểm để đánh giá kết quả học tập của HS được xác nhận bằng các điểm đánh giá thường xuyên (hệ số 1), giữa kỳ (hệ số 2), cuối kỳ (hệ số 3). Nếu các phòng GD-ĐT tổ chức thi giữa kỳ, cuối kỳ, vậy GV chỉ còn tự chủ đánh giá HS thông qua đánh giá thường xuyên (hệ số 1) mà thôi! Chỉ cần phân tích như vậy, chúng ta đã thấy “tâm lý” của GV, HS “ứng thi - học/dạy để thi” sẽ ra sao! Chưa kể đến, việc tổ chức một kỳ thi chung trên quy mô cấp quận/huyện, được coi tương đương quy mô của một kỳ đánh giá diện rộng, sẽ “nhiêu khê” thế nào. Sự nặng nề cũng vì thế mà tăng lên.

Vòng tròn tác động đau khổ học để thi sẽ bao giờ chấm dứt ngay trong khi học ở nhà trường mà mỗi năm có đến mấy kỳ thi!

Nỗi khổ của giáo viên

Hầu hết các GV đều có nỗi khổ khi dạy học đáp ứng kỳ thi tập trung. Nỗi khổ dễ thấy nhất, chính là tâm lý “sợ kết quả không tốt” nên các GV đều rất trách nhiệm trong sưu tầm đề thi, ôn luyện cho HS. Chuyện này không hề dễ dàng, bởi chính các GV phải bỏ nhiều thời gian, công sức, đôi khi cả “rèn luyện để có mối quan hệ” nhằm làm sao việc luyện tập, chuẩn bị cho HS thật sự hiệu quả.

Chất lượng kỳ thi chung được đảm bảo thế nào ?

Theo quy định, các kỳ đánh giá trên diện rộng (được tổ chức quy mô cấp huyện/quận, tỉnh/thành phố, quốc gia, quốc tế) với hàng nghìn HS tham gia cần tuân thủ các yêu cầu rất nghiêm ngặt với các câu hỏi, đề thi phải được định chuẩn; khách quan; tập trung vào một số nội dung giáo dục nhất định, có tính ổn định. Việc tổ chức các đánh giá định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ) tập trung ở cấp phòng/sở được coi như tương đương với kỳ đánh giá diện rộng về quy mô.

Để làm được điều này, thực tiễn các đơn vị tổ chức thường thực hiện như sau: Thành lập ban tổ chức, trong đó có tổ ra đề, tổ thẩm định, các hội đồng coi thi, chấm thi… Tổ chức thi, tương ứng mỗi trường có một hội đồng thi, có sắp số báo danh, rọc phách, tạo phòng thi, phân HS theo phòng, chấm chéo… Vì thi tập trung nên ngày thi được ấn định, các môn học được chọn thi, các môn không được chọn sẽ được điều chỉnh thời khóa biểu/thời lượng thực tế…

Đến nay, việc tổ chức các đánh giá định kỳ theo kiểu thi tập trung đã phổ biến, đến nỗi thành công cụ quản lý chất lượng (căn cứ vào kết quả thi này để đánh giá chất lượng dạy của GV, của nhà trường). Tuy nhiên, không dễ tiếp xúc với một đánh giá “chất lượng của kỳ thi” được các cơ quan tổ chức kỳ thi công bố. Như thế các câu hỏi, đề thi, và các thông số kỹ thuật khác của kỳ thi chưa được quan tâm thực hiện để biết về độ tin cậy, độ giá trị. Như vậy, vì sao các kỳ thi này vẫn được tiến hành khi không biết chất lượng của nó? Vì sao vẫn được tiến hành khi mang đến bao nỗi sợ, nỗi lo không cần thiết, thậm chí còn làm hỏng, làm mất đi mục đích chính việc giáo dục ở trường phổ thông?

Tuy vậy, có nỗi khổ khác mà nhiều GV giỏi, tự tin phải trải qua. Đó là, dù họ rất tự tin vào chuyên môn của mình, có quan điểm giáo dục tích cực, muốn phát triển cho HS theo đúng triết lý, mong đợi, nhưng vì chuyện thi, mà họ phải “gò mình”, đôi khi đánh mất hết cả ý chí để chạy vào đường đua chung cho tất cả mà kỳ thi chung kia đã tạo ra.

Các kỳ đánh giá trên diện rộng (được tổ chức quy mô cấp huyện/quận, tỉnh/thành phố, quốc gia, quốc tế) cần tuân thủ các yêu cầu rất nghiêm ngặt

đậu tiến đạt

GV còn lo khi bị triệu tập vào “nhóm ra đề”. Đây là thử thách chuyên môn đầy vinh dự, nhưng rất lo vì năng lực có thể hiện được không, lo bị o bế để xin đề, bị lộ đề. Triệu tập đi coi thi cũng đáng sợ. Sơ sẩy là làm sai quy chế; sợ coi thi chéo, chấm thi chéo…

Không theo đúng mục tiêu chương trình mới

Việc tổ chức đánh giá định kỳ quy mô cấp quận/huyện sẽ tạo ra áp lực rất lớn, giảm ý nghĩa của việc đánh giá trên lớp học, phát triển năng lực HS.

Đổi mới giáo dục đang thực hiện phát triển năng lực người học, trao quyền và thúc đẩy các đánh giá trên lớp học, nhằm nâng cao chất lượng học tập của HS trên lớp học. Cả GV và HS với tư cách từng cá nhân tham gia một cách tích cực vào quá trình đánh giá. Nếu mỗi một kỳ học, các bài kiểm tra định kỳ đều có xu hướng bị “chuẩn hóa theo diện rộng”, thì GV sẽ không còn chủ động trong dạy học, và sẽ buông việc dạy sát đối tượng vì phát triển năng lực của mỗi HS nữa. Chưa nói đến, đánh giá giờ đây không chỉ nhằm vào kiến thức, vào kết quả học tập, mà cần các thông tin trong quá trình, bao gồm thái độ, động cơ, cảm xúc, kỹ năng vận dụng, kỹ năng thực hành... Những yếu tố đó bị coi nhẹ thì làm sao dạy học thành công như mục tiêu chương trình đã đề ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.