Gửi kiến nghị tới Bộ Quốc phòng, cử tri tỉnh Bắc Ninh đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét sửa đổi luật Nghĩa vụ quân sự theo hướng tăng số lượng công dân nhập ngũ, giảm thời gian tại ngũ.
Cử tri tỉnh này cũng đề nghị cần có chế tài chặt chẽ đối với công dân thuộc diện khám tuyển nghĩa vụ quân sự cũng như trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc phối hợp quản lý công dân trong diện khám tuyển nghĩa vụ quân sự.
Trả lời cử tri, Bộ Quốc phòng cho hay, thực hiện luật Nghĩa vụ quân sự 2015, hàng năm, bộ này thực hiện gọi công dân nhập ngũ và giải quyết hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ 1 đợt.
Về số lượng công dân được gọi nhập ngũ và thời gian phục vụ tại ngũ như hiện nay, theo Bộ Quốc phòng là đã bảo đảm cho quân đội có lực lượng thường trực hợp lý, có sức chiến đấu cao; kết hợp chặt chẽ giữa củng cố và nâng cao tiềm lực quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội.
Kiến nghị tăng số lượng gọi nhập ngũ, giảm thời gian nghĩa vụ quân sự
Cùng đó, vẫn theo Bộ Quốc phòng, số lượng và thời gian tại ngũ như hiện nay cũng là cơ sở để các đơn vị có đủ thời gian huấn luyện, rèn luyện để bảo đảm hạ sĩ quan, binh sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ kỹ, chiến thuật quân sự chuyên sâu; kỹ năng khai thác và sử dụng thành thạo các loại vũ khí, khí tài hiện đại phù hợp với phương thức tác chiến mới.
Từ đó, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trong mọi tình huống; tạo nguồn lực dự bị động viên và cán bộ cơ sở chất lượng cao cho các cơ quan, địa phương sau khi xuất ngũ.
Theo Bộ Quốc phòng, nếu tăng số lượng gọi công dân nhập ngũ, giảm thời hạn phục vụ tại ngũ theo kiến nghị của cử tri thì hàng năm phải tổ chức gọi công dân nhập ngũ và giải quyết xuất ngũ 2 đợt. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn và tốn kém về vật chất, ngân sách, thời gian, ảnh hưởng đến thực hiện các nhiệm vụ khác của các địa phương và đơn vị.
Đặc biệt là tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ đợt 2 sẽ trùng vào mùa tuyển sinh cao đẳng, đại học, gây phiền hà và sẽ dẫn đến nhiều đơn thư kiến nghị liên quan việc tạm hoãn gọi nhập ngũ của công dân.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng cho rằng, việc giảm thời gian phục vụ tại ngũ sẽ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội.
Ngoài ra, về kinh tế, hằng năm Nhà nước phải chi thêm ngân sách hàng nghìn tỉ đồng để tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, huấn luyện, rèn luyện và thực hiện chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân.
Bộ Quốc phòng cho biết thêm, hiện, bộ này đã thành lập ban chỉ đạo, tổ nghiên cứu lập đề nghị xây dựng dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Nghĩa vụ quân sự 2015. Tổ chức tổng kết 8 năm thực hiện luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 (giai đoạn 2016 - 2023), đánh giá tình hình thi hành luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nghĩa vụ quân sự, đề xuất Chính phủ sửa đổi luật vào thời điểm phù hợp.
Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục nghiên cứu tổng thể, đánh giá đầy đủ các chính sách và tác động liên quan, báo cáo, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 vào thời điểm phù hợp khi có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, bảo đảm khoa học, khả thi để pháp luật nghĩa vụ quân sự được thực hiện hiệu quả, thiết thực và nghiêm minh.
Ngăn tình trạng lợi dụng quy định trốn nghĩa vụ quân sự
Cũng gửi kiến nghị tới Bộ Quốc phòng, cử tri tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị sửa quy định về tạm hoãn gọi nhập ngũ khi đang học tại luật Nghĩa vụ quân sự 2015.
Theo cử tri tỉnh Vĩnh Phúc, luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định công dân đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo, thì được tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Tuy nhiên, thực tế, những trường hợp được gia hạn học thêm, lưu ban, nợ môn, thi lại tốt nghiệp… chưa được quy định cụ thể. Điều này dẫn đến tình trạng lợi dụng để trốn tránh nghĩa vụ quân sự, là một trong những khó khăn khi gọi công dân nhập ngũ của chính quyền địa phương.
Phúc đáp cử tri, Bộ Quốc phòng thừa nhận, quá trình triển khai tổ chức thực hiện luật đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập như việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, quản lý công dân trong độ tuổi nhập ngũ đối với sinh viên khi trúng tuyển học cao đẳng, đại học được di chuyển nghĩa vụ quân sự và tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Bộ Quốc phòng cũng khẳng định, một số trường hợp được gia hạn học thêm, lưu ban, nợ môn, thi lại tốt nghiệp hoặc học xong không di chuyển nghĩa vụ quân sự về địa phương, hoặc đến nơi cư trú mới, nhưng chưa có quy định và chế tài xử lý đầy đủ, dẫn đến tình trạng lợi dụng để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, gây khó khăn cho công tác nắm, quản lý nguồn của địa phương và bức xúc trong dư luận nhân dân.
Tương tự, cử tri tỉnh Tây Ninh phản ánh Thông tư liên tịch số 50 của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an công dân có hình xăm, chữ xăm trên cơ thể thì không được gọi nhập ngũ. Theo cử tri, điều này dẫn đến thực tế nhiều trường hợp thanh niên lợi dụng, cố tình xăm hình tại những bộ phận trên cơ thể để không phải đi nghĩa vụ quân sự.
Từ đó, cử tri Tây Ninh kiến nghị Bộ Quốc phòng xem xét có giải pháp chống lợi dụng việc xăm hình để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, bảo đảm công bằng xã hội, đồng thời bảo đảm nguồn chất lượng công dân nhập ngũ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Trả lời cử tri, Bộ Quốc phòng cho biết, quy định về hình xăm, chữ xăm trên cơ thể là một trong những nội dung thuộc tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức trong tuyển chọn công dân nhập ngũ.
Vì vậy, quá trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, không để những công dân có hình xăm, chữ xăm với nội dung nêu trên nhập ngũ vào quân đội, gây phản cảm, ảnh hưởng đến hình ảnh, lễ tiết tác phong của người quân nhân cách mạng, xây dựng môi trường văn hóa trong quân đội.
Những công dân trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm không thuộc các quy định trên hoặc có thể tẩy xóa thì vẫn được xem xét, gọi nhập ngũ.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một số công dân đã lợi dụng quy định này cố tình xăm hình, xăm chữ lên cơ thể trước thời điểm khám tuyển, hoặc sau khi sơ tuyển biết đủ tiêu chuẩn gọi nhập ngũ để nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, gây dư luận bất bình trong nhân dân.
Bộ Quốc phòng cho biết, để kịp thời góp phần ngăn chặn các hành vi lợi dụng, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, hàng năm chỉ đạo Cục Bảo vệ an ninh Quân đội hướng dẫn chi tiết cụ thể về hình xăm, chữ xăm khi tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, góp phần hạn chế hành vi công dân lợi dụng hình xăm, chữ xăm trên cơ thể để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Quốc phòng tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ các chính sách và tác động liên quan, báo cáo, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27 năm 2016 của Chính phủ; đồng thời phối hợp các bộ liên quan sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 50 năm 2016 của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an vào thời điểm phù hợp.
Bình luận (0)