Tại hội thảo về tác hại của việc lạm dụng rượu bia, xử lý và điều trị ngộ độc rượu có methanol cao diễn ra sáng nay, 10.4, tại Hà Nội, ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong 10 năm qua (từ 2007 - 2017), toàn quốc xảy ra 58 vụ ngộ độc rượu với 382 người mắc, trong đó có 98 ca tử vong.
Riêng năm 2017, cả nước có 5 vụ ngộ độc rượu với 88 người mắc, trong đó có 10 ca tử vong.
Theo ông Long, trong số các ca tử vong do rượu, có nguyên nhân do uống rượu có hàm lượng methanol (cồn công nghiệp) cao, chiếm gần 50%, còn lại tử vong do ngộ độc rượu trắng và rượu ngâm cây rừng. Chỉ tính từ sau Tết Nguyên đán 2017 đến nay, tại Hà Nội và Lai Châu đã có hàng trăm người ngộ độc rượu methanol, trong đó ít nhất 16 người tử vong.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cảnh báo, rượu methanol gây ngộ độc nặng, tổn thương thần kinh, mù mắt, thậm chí gây chết “tươi”. "Rất đau lòng khi phải chứng kiến những nạn nhân ngộ độc methanol tử vong, tàn phế, dù đã huy động mọi phương tiện, thuốc men cứu chữa”, ông Tiến nói.
Theo phát biểu từ các đại diện đến từ ngành y tế, xét nghiệm cho thấy nồng độ cồn methanol trong máu bệnh nhân ngộ độc rượu thường cao gấp nhiều lần so với mức cho phép; một số mẫu rượu có nồng độ methanol cao gấp nhiều lần cho thấy rượu uống vào đã được pha chế từ cồn công nghiệp methanol, do cơ quan chức năng chưa kiểm soát được chất lượng rượu.
tin liên quan
Một người nước ngoài bị ngộ độc rượu chứa cồn methanolTuy nhiên, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ Công thương) lại cho rằng, những vụ ngộ độc vừa rồi là do nạn nhân uống quá nhiều khiến hàm lượng methanol tích tụ lại chứ không có rượu pha cồn công nghiệp, chỉ có thể là sử dụng nguyên liệu cồn kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn thực phẩm.
Cũng theo ông Cường, hiện chưa thể thống kê chính xác số lượng rượu tự nấu trong dân vì chưa quản lý được rượu nấu thủ công trong các hộ gia đình. Trách nhiệm quản lý các rượu này thuộc chính quyền địa phương.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến thông tin thêm: trước đây cồn công nghiệp bắt buộc phải được đánh dấu bằng chất xanhmethylen (tạo màu xanh) để phân biệt với rượu. Nhưng nhiều năm nay, việc này không được thực hiện nữa nên rất dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng, sử dụng cồn methanol trong kinh doanh lẫn với rượu, cồn thực phẩm.
"Bộ Công thương là cơ quan được Chính phủ phân công chịu trách nhiệm quản lý chất lượng rượu cần quan tâm đến quy định trên để kiểm soát hiệu quả hơn rượu có chứa cồn công nghiệp gây độc cho người sử dụng", ông Tiến nói, đồng thời nhấn mạnh: Các bộ ngành, chính quyền địa phương phải thực sự nhìn thấy trách nhiệm của mình trước cộng đồng, chứ không phải Bộ này làm còn Bộ kia thì ngắm thôi, dẫn tới việc quản lý, ngăn chặn rượu gây độc sẽ thiếu hiệu quả.
Bình luận (0)