Ngày 15.2, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính kiến nghị về tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.
tin liên quan
Kiến nghị không dừng việc cấp phép chung cư ở khu vực trung tâm TP.HCMĐây là một công cụ hữu hiệu để quản lý hiện tượng chuyển giá có thể xảy ra tại các tập đoàn kinh tế đa quốc gia và các doanh nghiệp liên kết, gây thất thu ngân sách. Nhưng quy định này cũng có tác động đối với cả doanh nghiệp trong nước, kể cả doanh nghiệp bất động sản hoạt động theo mô hình "mẹ - con", đa ngành, có nhiều doanh nghiệp liên kết.
Hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản đang dựa vào hai nguồn vốn chính là nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động từ khách hàng. Trong đó, doanh nghiệp rất cần nguồn vốn tín dụng ngân hàng để thực hiện dự án cho đến thời điểm đủ điều kiện huy động vốn từ khách hàng. Nhưng nếu phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính càng lớn thì độ rủi ro cho doanh nghiệp càng cao và có thể dẫn đến "bong bóng" trên thị trường bất động sản.
|
Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán theo Thông tư 36 và Chỉ thị 01. Theo đó, kể từ ngày 1.1.2019, các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn; và dự báo Ngân hàng Nhà nước còn có thể giảm trần này xuống 35%, thậm chí 30% và cũng có thể nâng hệ số rủi ro trong các khoản nợ bất động sản lên đến 250% hoặc cao hơn (hiện nay, hệ số rủi ro này là 200%). Do vậy, khả năng doanh nghiệp bất động sản sẽ ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng hơn trước.
Việc thực hiện quy định "trần tổng chi phí lãi vay được trừ tối đa là 20%" theo Nghị định 20 của Chính phủ và lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết và sẽ tạo áp lực tích cực, lành mạnh, buộc các doanh nghiệp bất động sản phải nâng cao uy tín thương hiệu, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, huy động được nguồn vốn ứng trước của khách hàng. Đồng thời, tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế một phần nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng. Trong đó, doanh nghiệp cần tăng nguồn vốn chủ sở hữu, chuyển đổi thành công ty cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán. Đồng thời, doanh nghiệp cần tìm kiếm nguồn vốn bổ sung từ các quỹ đầu tư, từ nguồn vốn FDI, hoặc thông qua hợp tác, liên doanh, liên kết, phát hành trái phiếu...
“Tuy nhiên trong thực tế quy định mức trần này là thấp và chưa hợp lý đối với điều kiện hoạt động của nền kinh tế và thị trường bất động sản nước ta trong giai đoạn hiện nay. Kiến nghị Chính phủ xem xét quy định trần chi phí lãi vay không được vượt quá (khoảng) 25% thì phù hợp hơn”, HoREA kiến nghị.
Bình luận (0)