Chiều 27.12, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự.
Thông tin tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 62,5 tỉ USD, thặng dư thương mại 17,9 tỉ USD. Đây là những kỷ lục mới về tổng kim ngạch xuất khẩu và thặng dư thương mại.
Năm 2024, ngành nông nghiệp có 7 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ USD, tăng thêm 1 ngành cao su so với năm 2023. Đặc biệt, một số ngành hàng xuất khẩu cao kỷ lục, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế như: rau quả 7,12 tỉ USD; gạo xuất khẩu trên 9 triệu tấn và đạt gần 5,8 tỉ USD; cà phê gần 5,5 tỉ USD... Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp trong năm khoảng 3,3%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao là 3 - 3,2%.
Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng một trong những dấu ấn nổi bật của ngành nông nghiệp năm 2024 là công tác chỉ đạo phục hồi sau bão Yagi. Đây là một thử thách lớn, là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm, sự chỉ đạo hiệu quả của Bộ NN-PTNT.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp có thặng dư thương mại rất cao, đây là thành tựu rất đáng quý. Dự báo thặng dư thương mại của nền kinh tế khoảng 55 - 56 tỉ USD, trong đó riêng nông nghiệp là 17,9 tỉ USD, đã góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập và sinh kế ổn định cho người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nông thôn phải hiện đại, nông nghiệp phải phát triển bứt phá và tăng tốc nhanh hơn trong năm 2025. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng nông nghiệp năm 2025 phải đạt từ 3,5 - 4%; xuất khẩu đạt 70 tỉ USD; tỷ lệ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn là trên 60%; tỷ lệ che phủ rừng là 42,02%.
Để đạt được các chỉ tiêu trên, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ, ngành phát triển, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu nông sản trên tinh thần đa dạng hóa thị trường để không phụ thuộc; đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu; đa dạng chuỗi cung ứng.
Bộ NN-PTNT đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo; phát triển du lịch nông nghiệp, lâm nghiệp; tập trung chế biến sâu các sản phẩm nông, lâm sản.
Trong phát triển kinh tế biển, Thủ tướng yêu cầu tập trung phát triển các vùng nuôi trồng, đầu tư vào công nghệ chế biến thủy sản, khai thác hải sản bền vững để năm 2025 phải gỡ được thẻ vàng IUU. "Kiên quyết phải gỡ "thẻ vàng" IUU, trách nhiệm này của Bộ NN-PTNT và Bộ Quốc phòng, hai bộ phải phối hợp với nhau", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Bình luận (0)